Sáng 15/10, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án luật, song hầu hết các ý kiến thảo luận đều băn khoăn, lo ngại những ưu đãi thuế như quy định trong dự thảo sẽ không đến được đúng đối tượng.
Giảm thuế với nhà ở xã hội
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành thì mức thuế suất áp dụng đối với tất cả các loại nhà là 10%.
Với mục đích ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội, Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
Chính phủ cũng đề nghị mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phụ thuộc địa bàn đầu tư đều được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với mức ưu đãi cao nhất. Tức thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo. Trong khi, theo quy định của luật hiện hành thì chỉ có dự án tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi ở mức này.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cơ quan thẩm tra dự án luật, các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều nhất trí với sự điều chỉnh này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại mục đích tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận nhà giá rẻ sẽ khó có thể đạt được.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng phải hỗ trợ bằng chính sách trực tiếp cho người có thu nhập thấp. Vì “ doanh nghiệp phần lớn chỉ vì lợi nhuận, còn quản lý của Nhà nước thì lỏng lẻo”.
Đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chưa yên tâm về tính khả thi, bởi “nếu để doanh nghiệp quyết định giá thì chưa chắc người sử dụng đã được hưởng lợi”.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đúc kết từ thực tế “có khi người thu nhập thấp lại phải mua lại nhà của người của thu nhập cao”.
Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra chưa tán thành sửa hai luật này cũng vì lý do có thể người thu nhập không thấp không được hưởng lợi, Nhà nước lại thất thu ngân sách nếu giá bán, giá thuê nhà vẫn không giảm mặc dù được ưu đãi thuế.
Mặt khác, quy định của dự thảo luật chưa đảm bảo tính công bằng trong áp dụng chính sách. Nếu chỉ ưu đãi thuế với doanh nghiệp thì sẽ không công bằng với các cá nhân kinh doanh trong cùng lĩnh vực.
Bổ sung ưu đãi với dự án đầu tư mở rộng
Từ ngày 1/1/2009, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chính sách thuế ưu đãi đối với đầu tư mở rộng đã bị bãi bỏ, trừ trường hợp đầu tư mở rộng hình thành pháp nhân. Còn trước đó thì phần tăng thêm do đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi đầu tư được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm thuế tối đa 7 năm tiếp theo, tùy thuộc địa bàn và lĩnh vực đầu tư.
Tại dự luật này, Chính phủ đề nghị đối với dự án đầu tư mở rộng của doanh nghiệp đang hoạt động thì phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư cũng được hưởng ưu đãi như dự án thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, đây phải là dự án hạch toán riêng và đáp ứng một trong các tiêu chí : Công suất đầu tư tăng trên 30% so với công suất hiện tại hoặc số vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; 10 tỷ đồng với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn kinih tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tán thành đề nghị này, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị quy định rõ ngay trong dự luật các tiêu chí, điều kiện để xác định các dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế, nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng pháp luật để trốn thuế.
Một số ý kiến trong ủy ban không tán thành vì cho rằng quy định này sẽ dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải.
Dự án luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate