Tại phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm đảm bảo cuộc sống, sinh kế, việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất; đề nghị việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất khi thu hồi.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cử tri. Cho ý kiến về vấn đề đền bù, tái định cư trong Luật, đại biểu cho rằng cần xác định được như thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi tái định cư.
Cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước không có nghĩa đen là họ sẽ phải có nhà to hơn, hoặc đường vào thênh thang hơn, hoặc lương cao hơn mà cuộc sống tốt hơn thì có nhiều chỉ số đánh giá.
“Để đánh giá vấn đề đó thì một trong những phương pháp đơn giản nhất là các nhà xã hội học phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn theo mẫu, nhưng khi đánh giá, khi phỏng vấn người dân cảm nhận cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, con được tới trường hoặc vì một lý do nào đấy chứ không nhất thiết lúc nào cũng có nghĩa người ta có nhà to hơn”, đại biểu Huân nói.
Theo đại biểu, vì còn cách hiểu không đúng nên thực tế đã có việc thu hồi đất nông nghiệp thì sau đó đền bù bằng nhà ở. “Ở đây chúng ta mới quan tâm đến thu nhập cụ thể của họ, còn cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng thì chưa quan tâm, vì nếu như người dân mất đất nông nghiệp nghĩa là mất sinh kế. Chúng ta đền bù bằng nhà ở, họ có thể mang nhà đó cho thuê để kiếm tiền, nhưng công việc hằng ngày không có và đó là ảnh hưởng đến đời sống, xã hội.
Có thể tiền họ thu nhập cao hơn nhưng cuộc sống sẽ kém đi, và đến một lúc nào đó họ sẽ bán nhà đó để quy đổi thành tiền để chi tiêu, cuối cùng lại trở thành vô gia cư”, đại biểu Nguyễn Quang Huân trăn trở.
Cũng quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề xuất Ban soạn thảo tiếp tục xem xét và hoàn thiện quy định này trong Luật.
Theo đại biểu Bình, hiện dự thảo Luật Đất đai chưa có quy định về khái niệm xác định thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, chỉ quy định khái niệm bồi thường về đất, hoàn toàn không có quy định khái niệm bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, về nội hàm của vấn đề bồi thường và hỗ trợ đang không có sự phân định rõ ràng, theo đó những vấn đề hỗ trợ hiện nay như hỗ trợ khi di chuyển, hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề...
"Thực chất đó là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu, và Nhà nước buộc phải bồi thường chứ không phải là hỗ trợ", đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự, để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nên Nhà nước thu hồi đất thì có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương án phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất.
Song đối với tài sản trên đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây thuộc sở hữu của người dân thì khi thu hồi phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại, chứ không thể theo phương thức áp đặt hành chính”, đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, thu nhập, đảm bảo cuộc sống bằng, hoặc tốt hơn của người dân có đất bị thu hồi, đồng thời đảm bảo giá đất, giá trị đền bù khi thu hồi đất sát hơn với giá thị trường, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là vấn đề giá đất bồi thường khi thu hồi đất. Các vụ việc phát sinh khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người bị thu hồi chủ yếu là vì lý do cho rằng giá đất, giá bồi thường quá thấp.
“Thực tế, giá đất do Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên bị người dân khiếu nại, vì cho rằng giá không phù hợp với thực tế, không phù hợp với thị trường”, đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị quan tâm đến phương thức xác định giá đất của phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.