September 11, 2024 | 09:54 GMT+7

Sửa Luật Đầu tư công, nhiều đề xuất để thúc tiến độ dự án hạ tầng chiến lược

Như Nguyệt -

Liên quan đến đầu tư dự án ODA, hiện dự thảo Luật vẫn quy định chủ trương đầu tư vẫn gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước...

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: MOJ.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: MOJ.

Sửa Luật Đầu tư công, nhiều đề xuất để thúc tiến độ dự án

Ngày 10/9, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính; tạo sự chủ động, linh động và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.

Luật cũng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng.

Tuy nhiên, sau gần 05 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành các Luật, Nghị quyết để sửa đổi, quy định một số chính sách mới cho các đối tượng, ngành, lĩnh vực; quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới, đặc thù cho một số địa phương, dự án đã được Quốc hội cho phép áp dụng, cần nghiên cứu để luật hoá.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết để luật hoá các quy định, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hoá một số trình tự, thủ tục để rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác và huy động năng lực quản lý, nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận các nội dung được đề xuất sửa đổi của Luật Đầu tư công.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng cho biết hiện Luật Đầu tư công mới chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư mà không quy định về các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư; đồng thời không có quy định về dừng chủ trương đầu tư như thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các trường hợp dừng…

Do đó đề nghị bổ sung thêm quy định về các trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm rõ về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong trường hợp làm thay đổi quy mô nhóm dự án; bổ sung quy định về dừng chủ trương đầu tư làm cơ sở cho việc điều chỉnh dự án.

Về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng Luật Đầu tư công hiện hành quy định đối tượng dự án/công trình khẩn cấp hẹp hơn và chưa bao quát so với quy định tại Luật Xây dựng; chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện, nội dung báo cáo đề xuất dự án, nội dung thẩm định dự án; trong khi đó Luật Xây dựng đã có quy định khá rõ và chi tiết các nội dung này.

Vì vậy đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc việc quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án/công trình khẩn cấp.

Liên quan đến đầu tư dự án ODA, hiện dự thảo Luật vẫn quy định chủ trương đầu tư vẫn gồm 2 bước. Để rút ngắn thời gian hơn nữa, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất lược bỏ bước đề xuất chủ trương dự án ODA và ghép vào bước chủ trương đầu tư dự án như dự án đầu tư trong nước. Các nội dung liên quan đến đánh giá về đảm bảo an toàn nợ công, đánh giá khoản vay cũng sẽ ghép vào bước chủ trương đầu tư.

Đại diện Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết dự thảo Luật có quy định giải thích định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tuy nhiên Luật Xây dựng cũng có định nghĩa về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng. Do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm này để các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng áp dụng triển khai.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi có quy định về thẩm quyền của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc công ty, Tổng Giám đốc công ty của doanh nghiệp nhà nước trong việc quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng đang chủ trì xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, đồng bộ các nội dung có liên quan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate