Thị trường chìm vào một đợt bán tháo khá mạnh ngay phiên sáng đầu tuần, đưa thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt 36% so với phiên trước và lên mức cao nhất 4 tuần. Hậu quả của áp lực bán này là VN-Index bốc hơi gần 16 điểm (-1,24%) và số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 5,7 lần số tăng giá.
Áp lực bán không xuất hiện ngay. Ban đầu VN-Index chỉ giảm nhẹ khoảng 10 điểm rồi phục hồi vượt tham chiếu. Tuy nhiên từ gần 10h trở đi, lượng bán mới thực sự tăng cao. Suốt thời gian còn lại thị trường lao dốc liên tục và chỉ số chốt ở mức thấp nhất, giảm 15,69 điểm so với tham chiếu. Độ rộng tại đỉnh tăng của chỉ số ghi nhận 161 mã tăng/216 mã giảm nhưng kết phiên sáng chỉ còn 65 mã tăng/370 mã giảm.
Tới 165 cổ phiếu trong VN-Index đang giảm quá 2% giá trị và 70 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Như vậy tổng hợp hai nhóm này thì tới hơn 67% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch ở HoSE sáng nay đã giảm cực mạnh.
Không chỉ vậy, riêng nhóm cổ phiếu giảm quá 2% đã chiếm tới 47,1% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, phản ánh sức ép rất tập trung và gây ra thiệt hại rất rõ ràng. Giao dịch rất xấu xuất hiện tại DGC giảm 6,1% thanh khoản 442,6 tỷ đồng; NVL giảm sàn 6,72% với 268,5 tỷ đồng; VIX giảm 5,7% với 238,3 tỷ; MWG giảm 2,44% với 213,6 tỷ; TCH giảm 4,55% với 171,3 tỷ; DIG giảm 2,73% với 168,7 tỷ…
Rổ VN30 bất ngờ khá nhất trong các nhóm cổ phiếu ở HoSE. Chỉ số VN30-Index giảm 0,84% trong khi Midcap giảm 2,47%, Smallcap giảm 2,86%. Ở nhịp phục hồi vượt tham chiếu đầu ngày của VN-Index, cũng chính là các blue-chips kéo lên, nên mới có độ rộng rất hẹp mà chỉ số vẫn xanh. Hiện cả rổ còn 7 mã chốt trên tham chiếu, 21 mã quay đầu giảm. Rổ này đang có 11 mã giảm quá 1% giá trị, trong đó có một số trụ lớn như FPT giảm 1,75%, GAS giảm 1,03%, VHM giảm 1,19%. Rất may vẫn còn VCB, CTG, VNM, MSN thuộc nhóm tăng, dù biên độ tăng quá nhẹ.
Sức ép từ số rất lớn các mã giảm, cộng với nhiều trụ đã khiến VN-Index lùi xuống mức 1.249,14 điểm, tức là sát đáy thấp nhất hồi cuối tháng 6 vừa qua (ở 1.240 điểm). Về mặt kỹ thuật chỉ số đã kiểm định lại đáy ngắn hạn đầu tiên. Đây là ngưỡng hỗ trợ được kỳ vọng có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy như đã từng thể hiện trong quá khứ.
Dấu vết của lực cầu bắt đáy sáng nay khá mờ nhạt, dù cũng đã có tín hiệu ban đầu. Trong rổ VN30, có 28/30 cổ phiếu đã nhích giá lên cao hơn mức thấp nhất, nhưng đại đa số biên độ còn rất hẹp. Đáng kể chỉ có MBB hồi lại 1,01% so với đáy, CTG hồi lại 1,36%, GVR hồi 1,07%, HDB hồi 1,22%, MSN hồi 1,28%, POW hồi 1,53%, SSB hồi 1,44%, TCB hồi 1,09%. Không phải tất cả các cổ phiếu phục hồi đều có thể chạm tới tham chiếu, một số vẫn còn giảm rất sâu. Điều này cho thấy dòng tiền bắt đáy cũng đã tham gia, chỉ là vẫn chờ đợi ở những ngưỡng giá rất thấp.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, cũng chỉ có 75 cổ phiếu “thoát đáy” với biên độ từ 1% trở lên. Số này tương đương 21,4% số mã có phát sinh giao dịch, chưa kể hầu hết vẫn còn rất xa mới tới được tham chiếu.
Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE sáng nay tăng 32% so với phiên trước, đạt khoảng 10.425 tỷ đồng. Nếu tính cả HNX, mức khớp lệnh 2 sàn tăng 36% đạt 11.389 tỷ đồng. Với mức thanh khoản cao như vậy nhưng cổ phiếu lại giảm giá áp đảo hoàn toàn thì chỉ có thể là do bên bán chủ động.
Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ ghi nhận mua ròng 221,4 tỷ đồng trên sàn HoSE, nhưng là nhờ giao dịch thỏa thuận 375 tỷ đồng ở SBT. Chỉ riêng giao dịch này đã lớn hơn cả mức ròng tổng hợp cả sàn, nghĩa là khối ngoại vẫn bán ròng khá lớn ở các cổ phiếu khác. Thực vậy, ngoài SBT, cổ phiếu được mua ròng tốt nhất kế tiếp là VIX cũng chưa tới 18 tỷ đồng. Bên bán có DGC -71,3 tỷ, FPT -35 tỷ là đáng chú ý.