January 31, 2023 | 14:21 GMT+7

Sức lan tỏa lớn từ các dự án hỗ trợ của UNDP đối với nông nghiệp Việt Nam

Chu Khôi -

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, nên nên cần nhiều nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế. Thành công từ các dự án hỗ trợ của UNDP đối với nông nghiệp không phải ở quy mô mà là hiệu ứng, sức lan tỏa...

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Làm việc với bà Ramla Khalidi -Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam vào ngày 30/01/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược đặt ra mục tiêu giải quyết những vấn đề nội tại của nền nông nghiệp Việt Nam khi đang đứng trước sự thay đổi toàn cầu: biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, biến đổi khí hậu, biến động thị trường; chuyển đổi xu hướng thị trường như nền kinh tế xanh, thị trường xanh; tích hợp giá trị của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giữa nền nông nghiệp tri thức và nông nghiệp thông minh...

TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: UNDP là đối tác quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, thể hiện qua những sự hỗ trợ hiệu quả mà tổ chức này đối với ngành trong hơn 40 năm qua thông qua rất nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật, kiến thức, chuyển giao sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng khăn rằn cho bà Ramla Khalidi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng khăn rằn cho bà Ramla Khalidi.

Bà Ramla Khalidi chúc mừng ngành nông nghiệp về thành tích tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022, đặc biệt con số kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD. Đồng thời cho biết UNDP đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam, trong đó phải kể đến dự án khá lớn là “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ của Việt Nam” (GCF2-SACCR).

Dự án này do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ thông qua UNDP với khoản tài chính 30,2 triệu USD viện trợ không hoàn lại, triển khai tại 5 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông trong thời gian 5 năm từ 2021 đến 2026.

Dự án nhằm đưa ra các cách nâng cao năng lực chống chịu hạn hán của nông nghiệp và mất an ninh nguồn nước thông qua phân tích, học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm và sáng kiến của cộng đồng và các chương trình nông nghiệp đã triển khai.

"Dự án GCF2-SACCR giúp hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường”.

Bà Ramla Khalidi, Trường đại diện UNDP tại Việt Nam.

Qua dự án, các tỉnh có thể thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đưa ra sáng kiến cộng đồng đồng về sinh kế nông nghiệp thích ứng với hạn hán.

Dự án được thực hiện trong 6 năm và trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Ngoài ra, hơn 335.000 người dự kiến sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, dự án SACCR sẽ hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ kết nối với các hệ thống thủy lợi do ADB tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, các lớp tập huấn tại đồng ruộng dành cho nông dân sẽ đào tạo về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân nghèo cũng sẽ được đào tạo về kế hoạch kinh doanh nhỏ, bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng và liên kết với thị trường.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG KINH TẾ XANH VÀ THUẬN THIÊN

Chia sẻ về hợp tác trong thời gian tới, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh đến dự án giúp Cộng đồng ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, đây là dự án do Chính phủ Canada tài trợ với kinh phí vào khoảng 20 triệu đô la Canada với sự tham gia của Cục Thủy sản, Cục Lâm nghiệp và chính quyền tại một số tỉnh.

Dự án sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, làm giàu đa dạng sinh học biển/khu bảo tồn biển, bảo vệ rừng ngập mặn và hệ sinh thái rạn san hô.

Ngoài ra, còn một dự án trong tương lai nữa mà bà Ramla Khalidi cũng đề cập với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là “Quản lý đất và rừng bền vững tại cảnh quan lưu vực sông Ba”. Đây là dự án có kinh phí 2,1 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, thông quan UNDP.

 

"Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Vừa phát huy được những thành tựu trong nhiều thập kỷ của nền nông nghiệp Việt Nam, vừa giải quyết những vấn đề nội tại và tiếp cận những xu thế thay đổi không ngừng trên thế giới, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ quan đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào dự án là Viện Điều tra Quy hoạch rừng và 2 địa phương là Gia Lai và Phú Yên. Hiện nay, quá trình hoàn thiện hồ sơ của dự án đang được tiến hành. Do đó, bà Ramla Khalidi mong muốn nhận được sự quan tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đáp lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định các dự án, dù vừa hay nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn, mang lại hiệu ứng lớn, giúp thay đổi tư duy về quản lý sẽ mang lại lợi ích cho cả một ngành kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Việt Nam.

“Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, còn nhiều khó khăn nên cần các nguồn lực, tin tức, kinh nghiệm đã được áp dụng thành công ở các quốc gia trên thế giới. Do đó, ngành nông nghiệp cần sự đồng hành để thực hiện mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã đưa ra, trong đó bao gồm nhiều thông tin chắt lọc từ các tổ chức quốc tế, trong đó có UNDP”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan và bà Ramla Khalidi cũng trao đổi một số lĩnh vực hợp tác trong bối cảnh mới. Trong đó đầu tiên là chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Đây được xem là cơ hội để phát triển kinh tế xanh, đổi mới và phát triển thuận thiên.

Ngoài ra, còn các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và ứng dụng công nghệ số, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate