June 29, 2021 | 19:19 GMT+7

Sùng bái vàng là thế, người Ấn Độ giờ chuyển sang mua tiền ảo

Điệp Vũ -

Các hộ gia đình ở Ấn Độ đang tích trữ hơn 25.000 tấn vàng. Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo ở đất nước Nam Á này đã tăng lên con số gần 40 tỷ USD, từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD cùng kỳ trước đó...

Những người ủng hộ tiền ảo vẫn thường nói rằng Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số”. So sánh này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.

Theo dữ liệu từ Chainalysis được hãng tin Bloomberg trích dẫn, các hộ gia đình ở Ấn Độ đang tích trữ hơn 25.000 tấn vàng. Theo văn hoá Ấn Độ, vàng là biểu tượng của may mắn và thịnh vượng. Mỗi mùa cưới và lễ hội hàng năm, người dân nước này tiêu thụ một khối lượng lớn vàng trang sức.

Nhưng trong vòng một năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo ở đất nước Nam Á này đã tăng lên con số gần 40 tỷ USD, từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD cùng kỳ trước đó. Sự tăng trưởng mạnh mẽ diễn ra bất chấp Ngân hàng Trung ương Ấn Độ có chủ trương chống tiền ảo và Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất một lệnh cấm đối với kênh đầu tư này.

Richi Sood là một trong những người chuyển từ vàng sang tiền ảo. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, nữ doanh nhân 32 tuổi này đã chi hơn 1 triệu Rupee, tương đương 13.400 USD, tiền vay từ bố để mua Bitcoin, Dogecoin và Ether. Sood đã mua và bán Bitcoin rất đúng thời điểm: cô bán ra khi giá Bitcoin vượt 50.000 USD vào tháng 2, rồi mua lại trong đợt sụt giá gần đây. Tiền lãi được Sood dùng để đầu tư cho việc mở rộng công ty khởi nghiệp (startup) về giáo dục có tên Study Mate India do cô sáng lập.

“Tôi thà rót tiền vào tiền ảo còn hơn là vàng”, Sood nói. “Tiền ảo minh bạch hơn vàng hay bất động sản, và cũng có khả năng sinh lời tốt hơn trong thời gian ngắn hơn”.

Sood là một trong số ngày càng đông người Ấn Độ - hiện có hơn 15 triệu người – mua và bán tiền ảo. Con số này đang gần đuổi kịp 23 triệu nhà giao dịch tiền ảo ở Mỹ và vượt xa con số chỉ 2,3 triệu ở Anh.

Theo Sandeep Goenka - nhà đồng sáng lập sàn tiền ảo đầu tiên của Ấn Độ ZebPay – tăng trưởng của thị trường tiền ảo ở nước này hiện nay chủ yếu đến từ những người từ 18-35 tuổi. Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy người Ấn Độ dưới 34 tuổi ngày càng thờ ơ với vàng so với các thế hệ trước.

“Họ nhận thấy đầu tư tiền ảo dễ hơn nhiều so với đầu tư vàng, vì quy trình rất đơn giản”, Goenka nói. “Chỉ cần lên mạng là mua được tiền ảo, và cũng không phải thử như thử vàng”.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với tiền ảo ở Ấn Độ là sự bấp bênh liên quan đến quy chế giám sát.

Năm ngoái, Toà án Tối cao Ấn Độ xoá quy định có từ năm 2018 cấm các ngân hàng giao dịch tiền ảo, dẫn tới khối lượng giao dịch tăng vọt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Ấn Độ đến nay vẫn chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy sự chào đón dành cho tiền ảo. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ tuyên bố có “những mối quan ngại lớn” về kênh đầu tư này. Cách đây 6 tháng, Chính phủ Ấn Độ đề xuất một lệnh cấm giao dịch tiền ảo, nhưng từ đó đến nay giữ im lặng về chủ đề này.

“Tôi giống như bị bịt mắt trong lúc đang bay. Tôi ham thích rủi ro, nên tôi sẵn sàng chấp nhận khả năng có một lệnh cấm được đưa ra”, Sood nói.

Các nhà đầu tư tiền ảo lớn của Ấn Độ không dám tiết lộ giá trị danh mục vì lo ngại bị cơ quan thuế “hỏi thăm”. Trao đổi với Bloomberg, một nhà đầu tư giấu tên cho biết đã rót hơn 1 triệu USD mua tiền ảo và cảm thấy bất an vì các quy định về thuế thu nhập trong lĩnh vực này còn chưa rõ ràng. Nhà đầu tư này cho biết đã có sẵn kế hoạch dự phòng để chuyển giao dịch tiền ảo của mình sang một tài khoản ngân hàng ở Singapore nếu có lệnh cấm được đưa ra.

Giá trị tiền ảo mà người Ấn Độ nắm giữ vẫn chỉ là một phần nhỏ so với giá trị vàng mà họ tích trữ. Tuy nhiên, giao dịch đang tăng trưởng mạnh: 4 sàn tiền ảo lớn nhất Ấn Độ hiện đạt tổng giá trị giao dịch hàng ngày 102 triệu USD, từ mức chỉ 10,6 triệu USD cách đây 1 năm – theo CoinGecko. Thị trường tiền ảo với quy mô 40 tỷ USD của Ấn Độ mới chỉ bằng 1/4 so với thị trường tiền ảo 161 tỷ USD của Trung Quốc, theo Chainalysis.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate