Do giãn cách kéo dài và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương trong vùng khi áp dụng Chỉ thị 16, không chỉ chuỗi cung ứng ngành tôm có nguy cơ đổ vỡ, mà các ngành hàng chế biến nông, thủy sản khác - những ngành kinh tế chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng điêu đứng.
NGUY CƠ MẤT THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TRỌNG ĐIỂM
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lâu nay được xem là “vua tôm” của miền Tây, với khách hàng trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu hàng năm trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách gây ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng tôm của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19” mới đây, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, do giãn cách, cách ly nên việc cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh và dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị nuôi tôm bị đứt gãy, nên người nuôi tôm rất khốn đốn.
“Cũng vì giãn cách, cách ly nên không có người kéo lưới thu hoạch tôm, cũng như khó vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy. Nên nhiều ao tôm không thu hoạch được phải để chết trắng ở ao tôm, rất đau lòng. Minh Phú đã đẩy mạnh đông tôm nguyên liệu IQF, nhưng kho lạnh đã đầy nên không thể đông IQF tôm nguyên liệu được nữa”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú.
“Ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cung ứng tôm phải kể đến các nhà máy chế biến tôm phải thực hiện phương án sản xuất “ba tại chỗ” nên một số nhà máy không đáp ứng được, phải đóng cửa. Số còn lại thực hiện được thì chỉ sản xuất được khoảng 25-50% công suất, với chi phí sản xuất tăng thêm đến 70%, không kể chi phí tôm nguyên liệu”, ông Quang giãi bày.
Hiện tại nhiều khách hàng trên khắp thế giới của Minh Phú đang khẩn thiết yêu cầu công ty cung cấp đơn hàng đã ký để kịp bán trong dịp Noel.
Nếu không giao được hàng, khách hàng sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, như vậy Minh Phú sẽ mất khách hàng, mất thị trường đã bỏ công gây dựng nhiều năm.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tiến độ thu hoạch lúa bị chậm trễ, gây tổn thất lớn cho nông dân. Bên cạnh đó, nếu thu hoạch được cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển về nhà máy chế biến để bảo quản và lưu trữ đúng cách.
“Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, lúa gạo sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ, do đó việc ách tắc dòng chảy phương tiện như thời gian qua đã đưa đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu”, đại diện VFA cho biết.
Nếu những khó khăn nội tại không được giải tỏa kịp thời, kim ngạch ngành hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và đưa đến nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực, như Thái Lan, Ấn Độ.
THÔNG QUAN CHẬM ĐỘI THỜI GIAN, ĐẨY CHI PHÍ
Không chỉ vướng lưu thông nội địa, tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thời gian qua cũng tắc nghẽn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả sơ bộ đạt 2.497 triệu USD, tăng 10,7 % so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,329 triệu USD chiếm tới 58,02% thị phần. Tuy nhiên, đáng quan ngại, xu hướng giảm sút xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ tháng 5 kim ngạch đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất, làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
"Giao hàng bị kéo dài, chậm trễ, xe tải ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới lâu. Từ đó, làm tăng thêm giá thành hàng hóa, khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác”.
Đáng lo ngại, giữa tháng 7/2021, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam với lý do hàng hóa Việt Nam nghi nhiễm virus Covid.
“Mặc dù các bộ ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc, nhưng những sự việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tại các cửa khẩu đường bộ, từ tháng 5/2021, do 8 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch trước đây chưa được ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật, nên Trung Quốc đã áp dụng thực hiện kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm ngặt hơn trước, với gần như 100% lô hàng bên cửa khẩu của Trung Quốc.
Chẳng hạn, trước đây, một xe lạnh thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận Tỉnh Quảng Tây chỉ 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần, làm chí phí vận chuyển tăng gấp đôi, từ 50 triệu/xe tăng lên hơn 100 triệu, gây thiếu xe để quay đầu chở hàng.
Phản hồi thông tin trên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết do tình hình dịch Covid-19, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa, người phương tiện vận tải qua lại biên giới. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc, phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy suất nguồn gốc như kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy xuất...
Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế, như kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container…, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay Trung Quốc còn đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây, như chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, rút ngắn thời gian đóng – mở cửa khẩu...
Vì vậy, xuất nhập khẩu chủ yếu diễn ra ở các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Một số cửa khẩu phụ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, thậm chí không phát sinh hoạt động như cửa khẩu Ma Lù Thàng (Điện Biên), cửa khẩu phụ Bình Nghị, Nà Nưa, Pò Nhùng, Ba Sơn (Co sâu), Bản Chắt (Lạng Sơn)…
LOGISTICS CẦN ĐƯỢC THÔNG SUỐT, KHÔNG GÂY KHÓ DOANH NGHIỆP
Để gỡ vướng cho lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị: “Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải, để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, sản xuất, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu”.
Ngoài ra, đối tượng ưu tiên tuyến đầu cần tăng độ phủ vaccine phòng Covid như lao động sản xuất, thu hái, đóng gói hàng xuất khẩu, đảm bảo đủ nhân công hoạt động và đảm bảo hàng không bị nhiễm Covid khi xuất khẩu sang nước bạn, tránh tình trạng bị tẩy chay hay cấm nhập.
Đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đảm bảo dịch vụ logistics được thông suốt, ổn định giá cước vận chuyển. Đồng thời, nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất khả thi, giúp giảm tải gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời, giúp người lao động có tinh thần thoải mái để làm việc và duy trì nguồn lao động ổn định trong sản xuất.
Trước tình trạng còn một số bất cập, hạn chế tại chốt kiểm dịch của một số địa phương trên các tuyến đường liên xã, liên thôn và điểm thu mua nông sản, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã và các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh thống nhất vị trí đặt các chốt, quy trình, mô hình hoạt động của các chốt kiểm soát dịch, nhằm kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, đồng thời, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, cần quán triệt nguyên tắc giao thông phải thông suốt. Tất cả hàng hóa đều là cần thiết trừ hàng cấm. Tất cả các tuyến vận tải đều là luồng xanh. Ưu tiên phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện, chỉ tăng cường công tác tiền kiểm, hậu kiểm tại các nơi giao, nhận hàng hóa. Phương tiện không có Giấy nhận diện, thì tổ chức kiểm tra cho phù hợp, nhưng tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông trong quá trình kiểm tra.
Hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đang xây dựng kế hoạch chi tiết dần đưa trở lại hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh cho từng loại hình vận tải, gồm đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa ứng với từng phương án dịch trong giai đoạn tới để triển khai áp dụng.