Cho đến gần đây, việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng mới “vỡ òa” ra nhiều thách thức khó vượt.
Chuyện xác định những khó khăn khi thực hiện, thậm chí cũng trở thành một cuộc” tranh giành” lĩnh vực nào khó nhất.
Đầu tư vấp xin - cho
Trong khi định hướng tái đầu tư nhắm tới việc cân đối lại tiết kiệm - đầu tư, cân đối ngân sách và cán cân thanh toán, giảm đầu tư công và tăng đầu tư tư nhân, thì việc khắc phục tình trạng đầu tư giàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ nhiều năm nay được cho là một cuộc chiến cam go.
“Giờ địa phương quyết định đầu tư, Chính phủ lo tiền thì cứ dàn trải như thế này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhìn nhận như vậy tại buổi tọa đàm “Cơ cấu lại nền kinh tế”, do báo Nhân dân tổ chức giữa tháng 12 vừa qua.
Phân cấp như vậy sẽ phải xem xét lại, nhưng chuyện xin - cho vẫn là thói thường lâu nay. “Tôi thấy tư duy nhiệm kỳ rất đặc trưng, ai lên, làm gì cũng chỉ cố tạo dấu ấn cho mình trong nhiệm kỳ ấy”, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Lê Đình Ân nhìn nhận.
Cho nên, địa phương “chạy” đầu tư từ khi hình thành dự án cho đến khi đấu thầu, xin thêm dự án làm phá vỡ quy hoạch, hay tỉnh nào cũng cố đầu tư “hạ tầng đồng bộ”, từ cảng biển, sân bay, cầu, đường cho đến khu kinh tế, sân golf… là chuyện thường gặp lâu nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến phát hành trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 chỉ đủ đáp ứng nửa danh mục đầu tư đã được duyệt. “Sẽ có nhiều dự án bị đình, hoãn, có người được, người mất”, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lưu ý điểm nay.
Cho nên, chuyện cắt, giảm vốn đầu tư là đụng quyền lợi cục bộ, ông cho rằng cần rất quyết tâm và nghiêm khắc mới tạo được chuyển biến trong thời gian tới.
Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nói nhiều làm ít
“Trước tôi làm viện trưởng, viết gì cũng nhiều chữ và rất lâu, Bộ trưởng có hỏi, tôi nói anh trả theo khoán chữ và thời gian thì phải nhiều chữ và lâu”. Kể câu chuyện ấy, Phó trưởng ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước Phạm Việt Muôn cho rằng, chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay, “nói thì nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ quan điểm này và cho biết thêm: “Tái cơ cấu doanh nghiệp là cực kỳ khó vì diện doanh nghiệp nhà nước rộng, quy mô lớn, tái cơ cấu phức tạp”.
Ông Muôn gút lại điểm khó khăn nhất trong quá trình thực hiện vừa qua một cách ví von, chúng ta muốn bắt con thỏ nhưng huy động nhân lực cả tháng trời, ra đến nơi nó chạy mất rồi. “Tôi cho khó khăn lớn nhất một là cơ chế chính sách cần để đổi mới làm quá lâu, khi có thì không còn phù hợp với thực tế”, ông nói.
Ở góc độ của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Huệ có thêm cái khó riêng, liên quan đến chi phí thực hiện. “Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp cũng cần phải có tiền, chúng tôi ước tính khoảng 50 nghìn tỷ đồng để tái cơ cấu nợ, cấp thêm vốn điều lệ...”, ông Huệ thông tin.
Cần nguồn lực, nhưng nếu quá đi sẽ đẩy chi tiêu công tăng lên, tạo gánh nặng cho nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo “nếu không khéo tăng thêm nợ công”, nhưng không “bổi bổ trước, cho kháng sinh vào lúc doanh nghiệp đang yếu lại không chịu được”.
Ông Muôn cũng đồng tình ở việc phải có tiền, nhưng là tiền của nhà đầu tư có hướng vào các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hay không. Có thông tin rằng năm 2011 chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp. Ông giải thích là do bán không được trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm.
“Vĩ mô chưa khá lên thì không bán được, 2012 không thấy triển vọng bán nhanh”, ông Muôn cho biết. Nên chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của tập đoàn, tổng công ty, vị này cho rằng nếu chỉ nhìn vào bán vốn sẽ không thể hiện thực.
Ngân hàng mới là “kinh khủng”
“Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp vẫn là tái với nhau, chứ ngành tôi mới là kinh khủng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bình luận. Ở vị thế ông mà nhìn nhận, hệ thống tín dụng chia hai: một bên là nhà nước, một bên là thị trường.
“Bây giờ, lực lượng kinh tế tư nhân rất lớn, hiện quốc doanh chỉ chiếm 48% thị phần. Vậy cái không phải của mình mà mình đòi hỏi phải “tái” là vô cùng khó khăn, phức tạp”, ông Bình giải thích thêm.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế. “Thực ra thế giới làm gì có tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công, muốn “tái” là họ tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là ngân hàng”, ông Bình nói.
Theo ông, nguyên do là vì ngân hàng là kênh cấp vốn cho nền kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng sẽ tác động đến việc dẫn vốn vào đâu, tức là tái đầu tư. Hay nếu tái cơ cấu ngân hàng trước cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quản trị mới được cho vay, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu.
“Doanh nghiệp nhà nước lớn có sánh bằng một ngân hàng cỡ bình thường của chúng tôi không? Ngân sách nhà nước lớn nhưng so với đầu tư của tín dụng ngân hàng còn rất nhỏ bé”, ông Bình khẳng định. “Nếu tái cơ cấu được ngân hàng thì sẽ thay đổi diện mạo nền kinh tế”.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ các quan điểm trên: “Khó khăn là vấn đề ta chọn đều nhạy cảm, liên quan đến dư luận xã hội, tư duy của chúng ta. Cải cách doanh nghiệp đến nay tư duy còn đầy tranh cãi. Quá trình cải cách có người được người mất...”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate