March 07, 2012 | 08:52 GMT+7

Tái cơ cấu ngân hàng: Vừa huýt sáo vừa… run

Minh Đức

“Huýt sáo” như là một cách để phòng vệ trước khả năng bị sáp nhập hay ảnh hưởng ngoài mong muốn từ tái cơ cấu

SCB, Ficombank và TinNghiaBank đã trở thành “ngân hàng hợp nhất” đầu tiên của quá trình tái cơ cấu.
SCB, Ficombank và TinNghiaBank đã trở thành “ngân hàng hợp nhất” đầu tiên của quá trình tái cơ cấu.
“Huýt sáo” như là một cách để phòng vệ trước khả năng bị sáp nhập hay ảnh hưởng ngoài mong muốn từ tái cơ cấu.

Như trong một ký ức ấu thơ, cậu bé lên mười, đầu đội thúng hàng rong mỗi tối tại rạp chiếu bóng. Tan rạp, quãng đường về là cánh đồng vắng lúc nửa đêm. Huýt sáo trở thành một phản xạ, rồi thành thói quen để đi hết quãng đường, như là một cách để át đi nỗi sợ…

Hệ thống ngân hàng đang ở giai đoạn đầu của tái cơ cấu. Tái cơ cấu để tốt hơn, nhưng có những vận động mà nhiều chủ thể hẳn không mong muốn: bị mua lại hay phải sáp nhập. Và thị trường đâu đó đang có những tiếng “huýt sáo” như trong ký ức của cậu bé nọ.

Ngày 7/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất. Trần lãi suất huy động nhún xuống một nhịp, sẽ còn 13%/năm chứ không phải 12%/năm như một số tin đồn vừa qua (cũng có dự tính đề cập đến một cơ chế trần linh hoạt cho các nhóm đối tượng?).

Lãi suất cho vay theo đó có thêm lý do để giảm, điều mà thị trường mong đợi. Song, với các ngân hàng nhỏ nói chung, cơ chế trần vẫn giữ, họ vẫn khó cạnh tranh huy động, nay có thêm áp lực từ sức hấp dẫn của lãi suất giảm đi.

Tròn một năm qua, cơ chế trần được áp. Đó như là một công cụ để Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu hệ thống. Càng khó cạnh tranh huy động, ngân hàng “trong tầm ngắm” càng mất đi sức đề kháng. Đến lúc cạn sức họ phải chấp nhận điều hẳn là họ không mong muốn. Nhưng trước khi điều đó xẩy ra là những nỗ lực phòng thủ.

Lúc này, vượt trần lãi suất không còn râm ran trên thị trường. Song cũng dễ để tìm thấy nhiều thông tin đáng tham khảo.

Ngày 2/3 vừa qua, một công ty chứng khoán chuyển thông tin tới nhà đầu tư rằng: “Gần đây, nhiều ngân hàng đã lại áp dụng lãi suất huy động ưu đãi lên tới 16,5 - 17%; do đó, không chắc liệu quy định trần lãi suất huy động có được áp dụng chặt đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng nữa hay không”.

Cùng ngày, một công ty chứng khoán khác cũng có nhận định: “Một số ngân hàng lớn hiện thỏa thuận lãi suất tiền gửi trong khoảng 14 - 16% cho khách hàng VIP, thấp hơn 1 - 1,5% so với những tháng trước đây. Chúng tôi vẫn nghe một số ngân hàng nhỏ đưa lãi suất thỏa thuận khoảng 19% cho các khách hàng VIP”.

Vì sao vẫn còn sự căng thẳng trong lãi suất huy động như vậy? Vì một số ngân hàng buộc phải phòng thủ, buộc phải huy động gần như bằng mọi giá để tạo một bảng cân đối cần có. Một bảng cân đối “tốt” lúc này có thể là tấm đệm để tránh bị dồn vào diện phải hợp nhất, sáp nhập hay phải bán lại. Vừa huýt sáo vừa… run. Ít nhất cái “run” ở đây là rủi ro pháp lý, thứ nữa là tình thế đi trên băng mỏng mà phía dưới là sự đón đợi không mong muốn (với họ) của điểm rơi tái cơ cấu.

Ngày 1/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Một thông điệp được nhấn mạnh trong đó: tập trung hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng có lẽ sẽ vẫn có chuyện vừa huýt sáo vừa run như vậy, bởi nếu rơi vào diện phải xử lý, cái giá của sự hỗ trợ là rất đắt.

Với những ngân hàng yếu kém, ở hoạt động chung sẽ phải hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận; bị kiểm soát chặt việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản; phải giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô hoạt động; lãnh đạo có thể bị đình chỉ, miễn nhiệm. Với các ông chủ, quyền sở hữu buộc phải chuyển nhượng…

Với ngân hàng và các ông chủ dĩ nhiên là khó chấp nhận. Nhưng với những gì Ngân hàng Nhà nước đã và đang làm, trong đó có cả áp lực của cơ chế trần lãi suất, khả năng huýt sáo trong tình thế đó sẽ còn kéo dài bao lâu?

Ở huy động với trần lãi suất là vậy, ở tín dụng cũng đang có những tiếng huýt sáo tương tự, và cũng nằm trong công việc tái cơ cấu hệ thống mà Ngân hàng Nhà nước đang làm.

Lúc này việc phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn còn thời sự. Thị trường vẫn chưa hết những bất ngờ.

Có nhiều “dị bản” về danh sách các ngân hàng nhóm 4 đang chuyền tay. Xoay đi xoay lại vẫn là sự đồn đoán chừng ấy cái tên. Bất ngờ là, tên nhà băng nọ có mặt trong các đồn đoán, đùng một cái có thông tin dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2012 với mức 15%, ứng với nhóm 2 của cơ chế xếp hạng.

Tương tự, một cái tên khác cũng có mặt trong những đồn đoán nhóm 3 hay nhóm 4, song thực tế tín dụng của họ chủ động công bố vẫn tăng mạnh qua hai tháng đầu năm. Tính đến 29/2/2012, dư nợ cho vay của ngân hàng này đã tăng tới trên 9% so với thời điểm 31/12/2011.

Trường hợp trên đặt ra một tình huống: trước thời điểm ngày 16/2/2012 (ngày Ngân hàng Nhà nước ký văn bản giao chỉ tiêu) nếu ngân hàng chạy trước, đẩy mạnh cho vay vượt chỉ tiêu được giao sau đó thì sao? Có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ không hồi tố, hay tính trọn vẹn của chính sách chỉ là tương đối.

Cũng có một thực tế khác là đồn đoán chỉ là đồn đoán. Còn những tiếng “huýt sáo” như vậy trong hoạt động ngân hàng là có thực.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate