July 23, 2013 | 06:00 GMT+7

Tái cơ cấu Vinashin ra sao?

Đinh Tịnh

Để tái cơ cấu Vinashin, tập đoàn sẽ giữ lại công ty mẹ và 42 đơn vị làm nòng cốt

Tính đến thời điểm này, tập đoàn Vinashin đã tái cơ cấu được 43/216 doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm này, tập đoàn Vinashin đã tái cơ cấu được 43/216 doanh nghiệp.
Ông Vũ Anh Tuấn, quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cho biết, để tái cơ cấu Vinashin, tập đoàn sẽ giữ lại công ty mẹ và 42 đơn vị làm nòng cốt. Còn 216 đơn vị khác sẽ bị loại khỏi mô hình tập đoàn.

Ông Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, với 216 đơn vị không giữ lại sẽ được thực hiện tái cơ cấu theo các hình thức: rút vốn thương hiệu, sáp nhập, bàn giao chuyển về đơn vị khác, giải thể, chuyển nhượng phần vốn góp của tập đoàn tại các công ty; chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn.

Đã tái cơ cấu doanh nghiệp và nợ

Tính đến thời điểm này, tập đoàn đã tái cơ cấu được 43/216 doanh nghiệp. Cụ thể, rút vốn 14 đơn vị (theo hình thức chuyển nhượng phần vốn góp bằng giá trị thương hiệu Vinashin). Giải thể 14 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp 12 đơn vị. Bàn giao, chuyển chủ sở hữu, quyền đại diện vốn 3 đơn vị. Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành chuyển nhượng những doanh nghiệp nhỏ lẻ này. Đồng thời, đàm phán tài chính đến năm 2022 mới bắt đầu trả nợ và nếu thế đến 2016 thu sẽ cao hơn chi.

Về tái cơ cấu lại nợ, hiện 19 ngân hàng đã giảm nợ cho Vinashin đến 75% trong số nợ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay.

Tuy nhiên, ông Vũ Anh Tuấn cũng thừa nhận, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đến nay, số đơn vị hoàn thành việc rút vốn thương hiệu Vinashin tại các công ty chưa nhiều. 14 đơn vị đã hoàn thành việc này là các đơn vị tập đoàn không có bảo lãnh vay vốn, không vay nợ tập đoàn, VFC hoặc chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh. Số đơn vị cần thực hiện rút vốn đang gặp nhiều vướng mắc.

Trong trường hợp Vinashin muốn rút vốn thương hiệu theo hình thức giảm vốn điều lệ tại các công ty cổ phần thì cần 2 điều kiện. Đó là phải có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông và cty phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn.

Chính vì thế, nếu tập đoàn rút vốn thương hiệu, công ty và cổ đông không chịu đứng ra cam kết thì liệu có thực hiện tái cơ cấu được hay không? Theo Luật Doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động của công ty, tập đoàn vẫn là một cổ đông và phải chịu trách nhiệm đối với các khoản công nợ của công ty tương ứng với số vốn góp của mình.

Ông Tuấn cũng cho biết, trước đây, trong giai đoạn đầu tái cơ cấu Vinashin, do chưa có các quy định rõ ràng về việc sáp nhập công ty con vào công ty mẹ nên sở kế hoạch và đầu tư các địa phương chưa đối chiếu rành mạch giữa vốn điều lệ đăng ký và vốn điều lệ thực có dẫn đến một số vướng mắc làm chậm quá trình tái cơ cấu của đơn vị. Vì thế, tập đoàn đã ban hành 8 quyết định tái cơ cấu về sáp nhập các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Căn cứ vào đó, quá trình sáp nhập, giải thể được thực hiện rõ ràng, cụ thể hơn.

Vinashin chịu trách nhiệm phần vốn

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu Vinashin, theo yêu cầu, tháng 7/2013, Bộ phải báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện tái cơ cấu Vinashin. Do đó, Vinashin phải rà soát, đánh giá lại chính xác thực trạng các vấn đề còn tồn tại và đưa ra giải pháp.

Về tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc tập đoàn, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 8 tới, phải đại hội cổ đông xong tại các đơn vị để giải quyết vướng mắc trong việc rút vốn thương hiệu, sáp nhập và giải thể các đơn vị không nằm trong mô hình mới của Vinashin. Các doanh nghiệp chỉ góp vốn bằng thương hiệu mà không góp bằng tiền sẽ xử lý theo hai nhóm.

Nhóm không có liên quan, vướng mắc về công nợ thì đề nghị cổ đông cho rút ngay. Nhóm còn vướng mắc công nợ thì vẫn phải đại hội cổ đông, đưa ra các phương án xin rút một cách hợp lý dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Đối với nhóm doanh nghiệp có cả vốn góp bằng thương hiệu và bằng tiền cùng tài sản khác, phải đề xuất với cổ đông rút phần góp bằng thương hiệu, phần còn lại điều chuyển cho phù hợp với thực tế. Đối với các doanh nghiệp trong diện giải thể nhưng có đủ các điều kiện sáp nhập được thì tập đoàn phải có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp sáp nhập nhằm giảm đầu mối đơn vị.

Về tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là khoản nợ trong nước của tập đoàn, Bộ cũng giao các thứ trưởng, các vụ chức năng bám sát các cơ quan của Chính phủ, các ngân hàng đang giúp Vinashin tháo gỡ khó khăn.

Theo nguyên tắc, Vinashin phải đứng ra chịu trách nhiệm về toàn bộ phần vốn theo như đăng ký ban đầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện xong việc sáp nhập hoặc giải thể. Nếu có vướng mắc cần báo cáo lại ngay Bộ Giao thông Vận tải để đề nghị các bộ, ngành khác vào cuộc, giúp Bộ Giao thông Vận tải nói chung và Vinashin nói riêng tái cơ cấu thành công tập đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate