Đó là quan điểm của bà Monika Bickert, Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu của mạng xã hội Facebook trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, chiều 26/4, nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tuấn cho biết, Việt Nam hiện có 70% dân số sử dụng Internet, trong đó khoảng 45 triệu người sử dụng Facebook. Mạng xã hội Facebook là kênh quan trọng giúp kết nối giữa con người với con người, là thứ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Ông cho biết bản thân mình cũng có hai tài khoản Facebook và ông thường truy cập lúc rảnh rỗi, trao đổi thông tin, kết nối bạn bè.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định với lãnh đạo Facebook rằng, Chính phủ Việt Nam không ngăn cản Facebook cũng như các mạng xã hội khác phát triển, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông, điều đáng tiếc hiện nay là không phải ai sử dụng Facebook cũng hướng tới các mục đích tốt đẹp để tạo ra môi trường thông tin lành mạnh trên Internet, nhiều người không tuân thủ quy định luật pháp, đã để lại những hệ lụy không nhỏ.
Theo người đứng đầu ngành thông tin truyền thông, một số đối tượng lập tài khoản Facebook không chính danh, có người vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng như hoạt động kích động chiến tranh, bạo lực, xâm hại trẻ em, xâm phạm đời tư của cá nhân, tổ chức, xúc phạm nhân phẩm người khác, xâm hại quyền phụ nữ…
Thậm chí, đặc biệt nghiêm trọng là nhiều kẻ mạo danh các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, đưa những thông tin xấu độc lên những trang mạng xã hội này. Vì thế, theo Bộ trưởng Tuấn, cơ quan quản lý Việt Nam muốn trao đổi, hợp tác với Facebook để xử các lý thông tin xấu độ, đảm bảo cho môi trường mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng phát triển lành mạnh nhất.
Bày tỏ vui mừng trước vai trò của Facebook hiện diện trong xã hội Việt Nam như thông tin Bộ trưởng Tuấn chia sẻ, bà Monika Bickert cho biết, cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật đã được Facebook chờ đợi từ lâu.
Bà Monika Bickert cho biết, Facebook xác định Việt Nam là thị trường quan trọng của tập đoàn. Theo bà, tại đây, có nhiều doanh nghiệp Việt sử dụng Facebook là kênh hoạt động kinh doanh, học hỏi các tổ chức khác ở trong và ngoài nước để cải thiện hoạt động kinh doanh.
“Quan điểm của chúng tôi là tất cả những nội dung như tài khoản giả mạo, phỉ báng, tấn công thù địch… sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook và chúng tôi cam kết sẽ gỡ bỏ nếu nhận được thông tin như vậy”, bà Monika Bickert khẳng định với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Bà Monika Bickert cũng cho biết, Facebook đã đưa ra bộ chính sách chuẩn mực, quy định để mọi người hiểu rằng họ được bảo vệ an toàn khi sử dụng cũng như có trách nhiệm của mình trên Facebook.
Cụ thể, bộ chính sách chuẩn mực như bà Monika Bickert chia sẻ trước đó, là Facebook đưa ra các Tiêu chuẩn Cộng đồng và đưa ra các nguồn hỗ trợ sử dụng an toàn tại trang Trung tâm An toàn (Safety Center) cũng như trên trang Facebook Việt Nam (Facebook Vietnam Page), đây chính là cam kết của Facebook đối với sự an toàn của cộng đồng 48 triệu người dùng tại Việt Nam.
Theo đó, tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook cấm các tài khoản giả mạo, nội dung cực đoan, phát ngôn thù hận và bạo lực, các trang/tài khoản mạo danh. Facebook sẽ có hành động chống lại những nội dung vi phạm chính sách này và khuyến khích người dùng ở Việt Nam báo cáo nội dung vi phạm thông qua sử dụng các công cụ báo cáo để người dùng có thể thực hiện hành động nhanh chóng.
Trước mắt, bà Monika Bickert, cho biết, Facebook sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên gỡ bỏ thông tin giả danh và tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là tài khoản giả mạo các lãnh đạo cấp cao cảu Đảng và Nhà nước.
Sau đó, Facebook sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trưc tiếp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm giúp Facebook ưu tiên đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.