August 11, 2022 | 16:01 GMT+7

Tại sao Apple không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc?

Mai Thanh -

Dù đối mặt với vô số rủi ro khi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc song Apple vẫn phải chấp nhận đương đầu thay vì từ bỏ thị trường đầy tiềm năng này vì nhiều lý do…

Một góc gian hàng trong cửa hàng bán lẻ mới của Apple tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Vũ Hán vào ngày 21/5.
Một góc gian hàng trong cửa hàng bán lẻ mới của Apple tại Trung tâm Thương mại Quốc tế Vũ Hán vào ngày 21/5.

Quốc gia đông dân nhất thế giới không chỉ quan trọng với hoạt động sản xuất thiết bị mà còn chiếm một phần đáng kể trong doanh số bán hàng của Apple.

Tuy nhiên, rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” này. Phần lớn những xung đột bắt nguồn từ chiến lược “zero-covid” của Trung Quốc, yêu cầu đóng cửa nghiêm ngặt các khu vực sản xuất. 

Điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook từng cảnh báo sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có thể tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của hãng, thiệt hại lên tới 8 tỷ USD trong quý tiếp theo. 

Đây không phải là lần đầu tiên sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của Apple gây nhiều căng thẳng cho công ty. Một năm trước khi diễn ra đại dịch, Apple đã cảnh báo doanh số bán iPhone bị chững lại giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang. 

Nhưng dù tình hình có trở nên tồi tệ đến đâu, các chuyên gia cho rằng Apple vẫn khó có thể hoặc thậm chí không thể rút khỏi thị trường Trung Quốc trong tương lai gần.

KHÓ KHĂN TRONG TÌM KIẾM HƯỚNG ĐI CHUNG

Nhiệm kỳ của Tim Cook là sự khởi đầu mới cho mối quan hệ mật thiết giữa Apple và Trung Quốc. Ông Cook gia nhập Apple vào năm 1998, một vài năm trước khi công ty bắt đầu hoạt động sản xuất tại đây. Ông đã giúp xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu với tư cách là Giám đốc vận hành trước khi trở thành người đứng đầu Apple vào năm 2011. Ông cũng thực hiện một vài chuyến thăm tới Trung Quốc trên cương vị là Giám đốc điều hành, thể hiện tầm quan trọng của quốc gia này đối với Apple.

Tuy nhiên, Apple dường như vẫn khá cẩn trọng. Tờ Wall Street Journal từng đưa tin, công ty đang tìm cách thúc đẩy sản xuất ở các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ, do chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt.

Apple không phản hồi gì, tuy nhiên ông Cook nhấn mạnh kế hoạch mở rộng dấu ấn sản xuất của Apple trong thông báo thu nhập gần đây nhất của công ty. Ông nói: “Chuỗi cung ứng của chúng tôi thực sự mang tính toàn cầu. Vì lẽ đó, các sản phẩm được sản xuất ở khắp mọi nơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét việc tối ưu hóa, học hỏi những điều mới và ngày một thay đổi”.

KHÔNG THỂ BỎ QUA MỘT THỊ TRƯỜNG MŨI NHỌN

Một vấn đề phức tạp hơn nữa mà Apple phải đối mặt, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của họ nếu không tính đến thị trường Hoa Kỳ. Theo Amber Liu, nhà phân tích thị trường điện thoại thông minh tại Thượng Hải, Apple hiện chiếm 18% thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc và Trung Quốc chiếm gần 1/4 doanh số toàn cầu của Apple.

Nói tóm lại, Trung Quốc đóng vai trò tăng trưởng quan trọng của Apple. Ông Gad Allon, Giám đốc chương trình quản lý và công nghệ tại Đại học Pennsylvania, một người có kinh nghiệm nghiên cứu về chuỗi cung ứng cho biết: “Apple có vô số lý do để không làm xáo trộn tình hình, hoặc làm trái với những yêu cầu của chính phủ Trung Quốc”.

Mới đây, Apple đã đưa ra một đợt giảm giá cho khách hàng Trung Quốc lên tới 600 nhân dân tệ  (tương đương với 89 USD) đối với mỗi mẫu iPhone mới trong một thời gian hạn định. Rất hiếm khi Apple có những chương trình khuyến mãi “khủng” như vậy.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate