April 26, 2025 | 11:03 GMT+7

"Tấm khiên" giúp AI Trung Quốc đứng vững trong chiến tranh thương mại

Mai Anh

Sự bùng nổ của DeepSeek, hậu thuẫn từ chính phủ và nhu cầu nội địa đang giúp Trung Quốc vượt qua ảnh hưởng của các rào cản thuế quan…

Người Trung Quốc là cộng đồng hào hứng nhất thế giới với tiềm năng của AI. Ảnh: Lam Yik/Bloomberg
Người Trung Quốc là cộng đồng hào hứng nhất thế giới với tiềm năng của AI. Ảnh: Lam Yik/Bloomberg

Trong lúc thế giới còn mải xoay quanh những tin tức về thuế nhập khẩu dồn dập từ Mỹ, không ít người đã bỏ lỡ loạt hoạt động mới nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) đến từ Trung Quốc.

Theo tờ Bloomberg, Tập đoàn Alibaba mới đây đã công bố một mô hình mã nguồn mở mới cho phép tạo video trong khi công ty Zhipu AI đang chuẩn bị hồ sơ để IPO ngay trong năm nay, và DeepSeek đã được triển khai rộng khắp từ bệnh viện cho tới các chính quyền địa phương. Danh sách này vẫn còn tiếp tục nối dài.

Sẽ không quá lời khi nói rằng, DeepSeek đã thổi bùng sự hào hứng trong nước, làm chấn động thế giới hồi đầu năm nay và chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thung lũng Silicon, tác giả Catherine Thorbecke bình luận trên tờ Bloomberg.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ Hàng Châu này đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành AI của Trung Quốc. Mặc dù cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động khiến thị trường toàn cầu chao đảo, những đòn đánh đó lại khó có thể làm chệch hướng sự phát triển của AI Trung Quốc.

NHỮNG HÀNG RÀO BẢO VỆ VỮNG CHÃI

Không chỉ được bảo vệ khỏi tác động trực tiếp của thuế quan nhờ vào thị trường nội địa rộng lớn, ngành AI của Trung Quốc còn được tiếp sức mạnh mẽ bởi sự hậu thuẫn từ chính phủ.

Hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hiếm hoi với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ, bao gồm Jack Ma của Alibaba và nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự ủng hộ từ cấp cao nhất.

Báo cáo chính sách của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc công bố tháng 3 mới đây cũng đề cập đến thuật ngữ AI tới chín lần và cho biết, Trung Quốc đang phát triển hệ thống các mô hình mã nguồn mở.

Theo Bloomberg Intelligence, chính phủ nước này đã thành lập một quỹ đầu tư AI trị giá 60 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,2 tỷ USD), đủ sức nâng đỡ ngành công nghệ này bất chấp biến động thị trường.

Theo bà Catherine Thorbecke, giới quan sát phương Tây không nên đánh giá thấp điều gì có thể xảy ra khi Bắc Kinh dốc toàn lực cho tham vọng trở thành cường quốc AI hàng đầu thế giới.

Song không chỉ nhờ chính sách, một nguồn sức mạnh khác đến từ sự đón nhận nhiệt thành của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đối với công nghệ.

Người Trung Quốc là cộng đồng hào hứng nhất thế giới với tiềm năng của AI. Theo khảo sát của Ipsos, khoảng 83% người trưởng thành tại Trung Quốc cho rằng các sản phẩm và dịch vụ ứng dụng AI mang lại nhiều lợi ích hơn là bất lợi. Đây là con số tỷ lệ cao nhất toàn cầu, so với chỉ 39% người Mỹ.

Trung Quốc cũng là quốc gia có tỷ lệ người tham gia khảo sát cao nhất khẳng định rằng, AI đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống hàng ngày của họ trong 3 – 5 năm qua, và họ kỳ vọng, điều này sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Số người Trung Quốc tin rằng AI sẽ giúp cải thiện nền kinh tế gấp ba lần so với người Mỹ.

Sự hứng khởi này không chỉ giới hạn trong các tập đoàn công nghệ. Bằng chứng là nông dân ở tỉnh Hồ Bắc, với phần lớn người dân không qua đào tạo bài bản, cũng đang sử dụng AI để ứng phó với những đợt mưa lớn năm nay.

Trong khi Mỹ vẫn tập trung phát triển AI tiên tiến, Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này vào thực tế đời sống. Chính việc phổ cập hóa AI diện rộng như vậy đang mang lại cho Trung Quốc lợi thế rõ rệt.

Cuộc chiến thương mại kéo dài chắc chắn sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế xuất khẩu của nước này và ảnh hưởng tới ngành công nghệ. Những lo ngại này phần nào đã phản ánh qua sự biến động thị trường thời gian qua.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu đánh đồng các khó khăn kinh tế vĩ mô với việc Bắc Kinh sẽ giảm tham vọng công nghệ. Như nhà nghiên cứu nổi tiếng Gerard DiPippo của RAND từng nhận định, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế “duy trì ở mức thấp và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn, các chính quyền trung ương và địa phương vẫn sẽ kiên trì hỗ trợ các ngành công nghệ cao và những ngôi sao mới như DeepSeek”.

Chỉ vài ngày sau khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thương mại mới, Đại học Stanford đã công bố báo cáo cho thấy, Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng công bố khoa học và bằng sáng chế AI. Dù Mỹ vẫn đang giữ lợi thế về các mô hình AI hàng đầu, báo cáo cũng thừa nhận rằng “Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách về hiệu năng”.

CON ĐƯỜNG KHÔNG BẰNG PHẲNG

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay với Trung Quốc vẫn là khả năng tiếp cận chip tiên tiến. Các hạn chế từ Mỹ đã trở thành rào cản lớn đối với tham vọng AI của Trung Quốc khi nguồn sức mạnh tính toán bị siết chặt.

Động thái mới nhất của Washington nhằm vào các con chip H20 của Nvidia – vốn được thiết kế để lách các quy định kiểm soát xuất khẩu – càng phủ thêm bóng mây bất định.

Thế nhưng, Bloomberg Intelligence cho rằng, động thái này về lâu dài có thể không phải là bất lợi mà ngược lại, còn giúp ngành AI Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích nhận định điều này sẽ cắt giảm tình trạng “dư thừa mô hình AI,”, trong khi các ông lớn như Alibaba, Tencent và Huawei đã chuẩn bị đối phó bằng lượng chip tích trữ đủ để giảm bớt tác động ngắn hạn.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, lo ngại về việc cơn địa chấn thuế quan sẽ làm xói mòn vị thế dẫn đầu AI của Thung lũng Silicon ngày một tăng. Cùng với đó, khi giới hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ còn mải loay hoay với hệ quả từ cuộc chiến thương mại, sẽ chẳng có lý do gì để bất ngờ nếu một bước đột phá kiểu DeepSeek tiếp theo đến từ Trung Quốc.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate