December 23, 2019 | 08:58 GMT+7

"Tấn công" thị trường ngoại: Phải giảm hội chợ và dùng mạng lưới kiều bào

KIỀU LINH

Sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu

Việt Nam tham dự hội chợ tại Campuchia.
Việt Nam tham dự hội chợ tại Campuchia.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2019 ngày 23/12, Bộ Công Thương cho biết, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, tới nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế thế giới.

Xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12 năm nay. Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ USD). 

Thị trường bán lẻ Việt Nam lọt top 6 hấp dẫn nhất toàn cầu

Tại thị trường trong nước, với việc triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại và Cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đóng góp phát triển thị trường trong nước, giữ đà tăng trưởng cao với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP. 

Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu.

Việt Nam đã khai thác một cách có hiệu quả các FTA đã ký kết khi mà các thị trường có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA như Hàn Quốc (tăng 21,6 lần), Ấn Độ (tăng 15,6 lần), Chile (tăng 3,6 lần). 

Những năm gần đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước cao hơn tốc độ tăng của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm trên 30%) trở thành là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Giảm hội chợ và dùng mạng lưới kiều bào

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, với vai trò là đầu mối, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA vừa có hiệu lực thực thi như CPTPP.

Xử lý tốt các vấn đề về phòng vệ thương mại, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong hoạt động thương mại, đặc biệt là các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, biến đổi khí hậu, lao động và xã hội đối với hàng xuất khẩu của ta. Tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Cho đến nay, hàng xuất khẩu của ta đã phải đối mặt với hơn 150 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với sự tập trung vào các vấn đề về chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp…

Về xúc tiến thương mại, thời gian tới sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ tiếp cận thị trường ngoài nước, phát triển thị trường trong nước cho các doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động chỉ có tác dụng nhất thời như hội chợ, triển lãm; chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.

Ngoài ra, "Tiếp tục từng bước cải tiến hoạt động theo hướng gắn kết doanh nghiệp Việt kiều ở ngoài nước với doanh nghiệp trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài", Bộ Công Thương báo cáo.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội, tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế, có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh, có kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu hay uy tín và chất lượng để làm ăn quy mô và dài hạn trong tương lai. 

"Việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, là yếu tố không thể thiếu được. Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả, phát triển thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp mới thực sự bền vững", báo cáo của Bộ Công Thương khuyến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate