May 02, 2007 | 09:30 GMT+7

Tản mạn quanh sông Tô Lịch

Vĩnh Thịnh

Suốt mấy tuần qua, cả Hà Nội xôn xao về một bài báo mang cái tít “Thánh vật ở sông Tô Lịch”

Người dân đến lễ tại đền Quán Đôi, nằm kế bên đoạn sông Tô Lịch bị nghi là có "trấn yểm" - Ảnh: Lao Động.
Người dân đến lễ tại đền Quán Đôi, nằm kế bên đoạn sông Tô Lịch bị nghi là có "trấn yểm" - Ảnh: Lao Động.
Suốt mấy tuần qua, cả Hà Nội xôn xao về một bài báo mang cái tít “Thánh vật ở sông Tô Lịch”.

Người ta đổ xô đi tìm đọc bài báo đó. Người ta tranh nhau mua với giá 2.000 đồng, rồi lên tới 20.000 đồng, rồi hơn cả giá ấy nữa, một bản phôtô bài báo đó. Khắp nơi mắt tròn mắt dẹt, khắp nơi thì thào thì thầm, ai cũng cứ nghĩ Thánh đang ở bên mình, Thánh đang rình xem mình có lỗi, có tội gì đây để mà... vật.

Có khối chuyện cười ra nước mắt diễn ra quanh ta sau khi bài báo đó được tung ra. Có bà vợ của một người thân của tôi, người đã từng được mấy người bạn bên khảo cổ tặng cho mấy cái đồ cổ đào được ở một di tích, suốt cả tuần qua cứ nhất định bắt chồng mang đi trả lại. Khốn nỗi có mỗi cái bát với mấy đồng tiền cổ mà mấy ông buôn đồ cổ định giá cho không hơn 500 ngàn đồng Việt, mang trả sợ bạn bè cười cho là đồ “dát chết”, anh bạn tôi đành mang đem cho lại mấy người bạn.

Nhưng, cứ đem đến nhà ai thì nhà ấy lắc đầu quầy quậy, không vợ thì chồng, không con thì cháu. Hóa ra chẳng nói ra, nhưng ai cũng bị ám thị bởi chuyện Thánh vật đăng trên bài báo đó.

Rồi thì mấy vị cảnh sát bảo vệ cầu Long Biên, cầu Chương Dương không nín được cười mà kể lại, nhiều đêm qua, cứ khi đi tuần qua cầu, lại thấy thấp thoáng bóng người, lấm la lấm lét như kẻ trộm, đang chọn chỗ nước sâu dưới cầu để “trả lại Thánh” một cổ vật nào đấy.

Bi hài hơn nữa là một anh bạn tôi, phụ trách hậu cần - xây dựng ở một cơ quan cấp Bộ, chức vụ tương đương Vụ trưởng. Hôm rồi đến chơi nhà, thấy anh mặt mũi cứ đờ đẫn như người mất của.

Hỏi ra, cũng lại là chuyện sợ Thánh vật. Số là cơ quan anh đang chuẩn bị xây trụ sở mới, mà đúng chức năng nhiệm vụ thì anh sẽ phải là người chỉ huy công trường này. Không làm thì không hoàn thành nhiệm vụ, không khéo còn bị cấp trên cách chức. Làm thì sợ bị Thánh vật giống cái ông Cường Đội trưởng thi công của Công ty VIC. Thế là lo lắng, thế là tiến thoái lưỡng nan, thế là mất ăn, mất ngủ.

Cứ đà này, khéo ốm chết vì suy sụp sức khỏe, chứ chẳng phải thánh thần nào vật đâu. Tôi khuyên anh thế, chẳng biết rồi có nghe không. Tóm lại là Thánh chưa thấy đâu, chỉ có người làm khổ người, chỉ có bài báo đăng lên mà không có tính định hướng làm rối loạn dư luận dân chúng. Và chỉ béo nhất mấy cò photocopy, cứ in lại mấy bài báo mà vớ bẫm.

Bây giờ trở lại chuyện bài báo nói trên. Tác giả của bài báo đó là ông Cường, một kĩ sư xây dựng, một người trong cuộc. Ông là người trực tiếp chỉ huy việc thi công kè đoạn sông Tô Lịch đó cách đây đã 7 năm. Có một sự thật là tốp thợ của ông Cường có đào kè, có gặp nhiều trắc trở trong lúc thi công. Họ cũng đã đào phải những bộ hài cốt, những cổ vật, những cây gỗ. Cũng có một sự thật nữa là kể từ lúc làm kè sông tới lúc viết bài báo đó, ông Cường cùng gia đình mình và một số người công nhân của ông quả là có gặp nhiều rủi ro, tai nạn.

Nhưng, nếu cứ xâu chuỗi những hiện tượng cá thể và không cùng phạm trù thành một bản chất, thì rất dễ trở thành ngụy biện. Nếu cứ mang những trải nghiệm cá nhân và gia đình viết ra thành những suy luận đầy cảm tính mang tính xã hội và công chúng thì rất dễ trở thành khiên cưỡng, trở thành dị đoan. Nếu cứ ghét ai, không hài lòng với ai mà đi khấn để Thánh vật người ấy thì thế là tội lỗi về mặt đạo đức, về mặt nhân nghĩa.

Ông Cường đã mắc phải lỗi này khi viết bài báo đó. Nhưng, lỗi của người viết một thì lỗi của tòa báo nặng gấp mười, gấp trăm lần. Đành rằng chúng ta tin có một đời sống tâm linh. Và nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì “đời sống tâm linh là một phần giá trị của đời sống thực, nó giúp cho đời sống thực tốt hơn bằng những nguyên lí mang tính đạo đức như “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”... Thế nên đời sống tâm linh có mặt tích cực của nó. Nhưng cũng không đến mức chúng ta phải vận vào mình một cách không có cơ sở như thế...

Thế cho nên, đáng lí ra, đồng thời với việc đưa ra những câu chuyện đời tư và những trải nghiệm cá nhân của ông Cường, cơ quan báo chí phải đăng kèm ngay những phân tích khoa học, những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, của các cơ quan chức năng để định hướng dư luận.

Cũng nhân nói về bài báo trên, xin trở lại cũng chuyện của chính Thời báo Kinh tế Việt Nam. Đã hơn 5 năm nay, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng đang là cư dân của làng An Phú, là người sống và làm việc ngay bên đoạn sông Tô Lịch mà dư luận đang xôn xao này.

Trước khi dọn về đất Nghĩa Đô, chúng tôi cũng đã phải xây trụ sở mới, nghĩa là cũng phải đào bới, nạo vét, xây cất. Rồi còn 5.000m2 đất “cống hóa”, nghĩa là cũng phải kè mương, cũng phải nạo vét bùn lầy sình đọng và hôi thối để biến thành một bãi để xe sạch đẹp. Chính quyền phường, quận sở tại ủng hộ, chính quyền Thành phố cho phép, dân lúc đầu có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nay cũng đã “thuận chèo mát mái”, nhưng, vẫn còn một số khó khăn mà không nhẽ lại đổ cho Thánh?

Đấy chỉ là những vướng mắc về mặt hành chính, những thủ tục mang dấu ấn của thời bao cấp trì trệ, không thể là của thánh, thần nào cả. Từ chỗ phải khổ sở đi thuê trụ sở, đến giờ đã có trụ sở riêng với 2 tòa nhà cao tầng đầy bề thế. Và trụ sở mới này lại nằm ngay trên đất Nghĩa Đô, nằm chính trên mảnh đất có đoạn sông Tô Lịch mà người ta viết rằng có Thánh vật, vậy mà vẫn khỏe mạnh cả, vẫn ăn nên làm ra, vẫn ra báo hàng ngày, vẫn vui vẻ, đàng hoàng, may mắn đã suốt 5 năm qua và chắc chắn là mãi mãi sẽ vẫn là như thế.

Nếu có nhân quả ở đây, thì đó chính là khả năng giải quyết những bài toán tự nhiên và xã hội đạt đến mức độ nào, trình độ nào, chứ chẳng thể là thánh thần nào cả.

Trong phạm trù tâm linh học, người ta có nói đến thánh, thần và quỷ. Quỷ dữ thì đến trẻ em mẫu giáo cũng biết rồi, nhưng đấy chỉ là những nhân vật mang tính cổ tích. Thần hoàng có thể là nhân vật có thật, có thể là huyền thoại, nhưng cũng đều là những nhân vật ích nước lợi nhà cả. Còn về các bậc thánh, Bác Hồ từng nói đại ý, Đức Phật hay Giêsu đều là các bậc thánh, bởi các vị ấy đều là những con người, nhưng là những con người biết lo và làm điều thiện, điều lành cho thiên hạ. Rồi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh..., những bậc hiền triết ấy cũng đều được nhân dân mình, dân tộc mình suy tôn như những vị thánh, bởi họ suốt đời chỉ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và đất nước, suốt đời chỉ có “một ham muốn tột bậc là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Vậy thì bất cứ một đấng nào, nếu đã được suy tôn là Thánh, thì chỉ là để làm điều thiện, điều lành, làm những việc có lợi cho bàn dân thiên hạ, cho cõi đời này, sao lại đi vật người ngay được?

Xưa nay người đời gọi Thánh là Thánh hiền, sao có người nỡ vu là Thánh vật? Báng bổ các Thánh như thế, đấy mới là phải tội chứ? Và đấy chính là chủ đề của những nghĩ suy tản mạn quanh sông Tô Lịch hôm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate