Tại hội nghị “Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam”, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, dù dịch Covid-19 lần thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa nhưng sức sống của hàng Việt vẫn rất mãnh liệt.
SỨC SỐNG MÃNH LIỆT TRONG ĐẠI DỊCH
Chúng ta đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+.
Có được kết quả này, theo bà Nguyễn Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), là do sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau thông qua công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương. Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Công Thương đã có hơn 60 văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường.
Đồng thời, sự tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua tăng cường sử dụng của nhau, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa được tăng cường. Đáng ghi nhận, sự liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, từ đó hỗ trợ người sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đồng tình, là thị trường lớn với xấp xỉ 10 triệu dân, thời điểm đầu khi dịch bệnh bùng phát mạnh, 3 chợ đầu mối phải đóng cửa, có những thời điểm siêu thị đóng cửa lên tới 2-3 tuần… dẫn tới cung ứng hàng hoá cho người dân hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, với sự thống nhất của Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Bộ Công Thương), sự tham gia của các lực lượng, tổ chức xã hội… cũng như thí điểm mở cửa cho shipper hoạt động nên sau 1 tuần việc cung ứng hàng hoá đã ổn định trở lại và đến thời điểm này.
Có kết quả này ông Phương cho rằng, đó là sự liên kết giữa các sở ngành TP.HCM với các địa phương chặt chẽ nên đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của doanh nghiệp hết sức cao đặt biệt các nhà cung ứng, phân phối, cùng sự vào cuộc nhanh chóng của các ban ngành.
Quan trọng nhất đó là nhận thức và trả về đúng vai trò của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng như lực lượng shipper, logistics. Cũng như sự tham gia kịp thời của các chủ thể liên quan như các doanh nghiệp logistics, chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm phi thực phẩm (các cửa hàng thuốc)… trong thiết lập kênh phân phối mới, cung ứng hàng hoá qua các chuỗi này nên hàng hoá cung ứng kịp thời đến tay người dân…
KHÔNG ĐỂ CHUỖI SẢN XUẤT- CUNG ỨNG BỊ GIÁN ĐOẠN
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào.
Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để ước tính kết quả kinh doanh.
Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Do đó, để chuỗi sản xuất- cung ứng hàng Việt không bị gián đoạn, theo ông Hoàn, ưu tiên hàng đầu phải là triển khai tốt các biện pháp phòng dịch, trong đó, tiêm chủng vaccine là biện pháp quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kịp thời ban hành và hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh song song với duy trì và từng bước phục hồi sản xuất, tránh để tình trạng “cát cứ”, áp dụng không thống nhất giữa các địa phương gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng như thời gian vừa qua.
“Bảo đảm chuỗi cung ứng được thông suốt trên cơ sở áp dụng thống nhất các chính sách phòng dịch là điều kiện tiên quyết để hoạt động sản xuất và thương mại được duy trì ngay cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Đồng thời, triển khai hiệu quả, hợp lý các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc dịch bệnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế.
Để hàng Việt cung ứng ổn định, thời gian tới, theo ông Phương cần tính toán tới phương thức mới, đó là đổi mới cách làm, chinh phục người tiêu dùng bằng nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn.
“Do hàng hoá trong nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng nên việc sản xuất ra hàng hoá không có chất lượng đồng đều, người tiêu dùng trong nước lại dễ tính nên doanh nghiệp sản xuất không có áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Phương nhận định.
Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, doanh nghiệp Việt đủ khả năng, năng lực sản xuất hàng hoá có chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ, EU…
Nên với các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đặt ra các tiêu chí, lấy quyền lực thị trường để định hướng, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.
“Chúng tôi có khả năng vận động các hệ thống phân phối để đưa ra hoặc xây dựng các tiêu chí cho hàng hoá nông sản Việt Nam. Khi có tiêu chuẩn chung và các hệ thống phân phối cùng đồng lòng hưởng ứng, khi đó buộc các nhà cung ứng phải tuân thủ”, ông Phương nói.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần giao trách nhiệm cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Nông thôn các địa phương, các sở ngành nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn chính thức và phối hợp với các hệ thống phân phối triển khai. Khi đó sản xuất của người nông dân sẽ bài bản hơn. Đặc biệt, cần thí điểm từng mặt hàng, từ đơn giản tới phức tạp, và nâng dần về quy mô.