Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, cho rằng Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra.
Những bất cập, hạn chế đó là: bảng giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho tám trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; quy định về chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (5 năm) rất khó cập nhật biến động thị trường; thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn. Vì vậy, cần thiết có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 02/2020.
Phát biểu góp ý tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đánh giá nội dung đưa ra tại dự thảo chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, tạo áp lực tài chính lớn đối với người dân. Tại các huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở, đất của cha mẹ để cho con xây nhà, chia thừa kế là khá lớn.
LỢI ÍCH HÀI HÒA GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT
Luật sư Hậu dẫn chứng: tại huyện Hóc Môn, năm 2024, hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở lên đến hàng trăm héc-ta. Nhiều trường hợp qua nhiều thế hệ vẫn chưa đủ tiền để chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa để ở hoặc tách thửa cho con cái. Tại quận 4, giá đất trên đường Bến Vân Đồn đoạn từ Cầu Dừa đến Nguyễn Tất Thành hiện tại từ 24 triệu đồng/m2 được dự kiến điều chỉnh tăng lên 271,2 đồng/m2, tăng gấp 10 lần so với giá hiện tại. Từ đó, nghĩa vụ tài chính đối với đất đai cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng của nhiều người dân.
Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi, giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao, có nơi tăng 20-30 lần so với bảng giá đất áp dụng giai đoạn 2020-2024. Đặc biệt, huyện Hóc Môn có giá đất dự kiến điều chỉnh tăng cao nhất so với bảng giá hiện hành và có những tuyến đường giá đất tăng 30-50 lần. Đồng thời, các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang trong giai đoạn thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn nếu như áp dụng bảng giá đất mới ngay lập tức.
“Việc giá đất tăng mạnh chỉ sau khoảng thời gian ngắn như trên có thể sẽ gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng, đặc biệt đối với những hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các khu vực ngoại ô, vùng ven Thành phố và những nơi đang có quy hoạch, dự án bất động sản. Mặt khác, giá đất tăng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, tâm lý chờ giá tiếp tục tăng…”, luật sư Hậu giải thích.
Bên cạnh đó, mặc dù giá đất tăng có những tác động tích cực như người dân có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng hơn với số tiền được bồi thường cao hơn, giúp nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất tăng thêm trong thời gian tới, chênh lệch địa tô được xử lý thỏa đáng hơn,... tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng khi bảng giá đất tăng, kéo theo đó là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên, làm tăng chi phí đầu tư, kể cả dự án đầu tư công và dự án của các doanh nghiệp tư nhân.
Điều đó dẫn đến chi phí đầu vào tăng, tạo sức ép tăng giá nhà đất, giá nhà cho thuê, giá cho thuê đất trong các khu công nghiệp và các dự án đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch, từ đó có thể làm tăng giá cả hàng hóa và tác động bất lợi đến các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ngoài ra, việc giá cho thuê đất trong khu công nghiệp tăng có thể làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nước để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Từ thực tiễn nêu trên, đại diện Ủy ban Nhân dân quận 10 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp Ủy ban Nhân dân quận, huyện, TP. Thủ Đức tham mưu Ủy ban Nhân dân TP.HCM điều chỉnh bảng giá đất theo quy định đối với từng quận, huyện có tái định cư bằng đất để phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Còn đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh đề nghị phải đánh giá tác động toàn diện vì bảng giá đất mới tác động đến nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Các đại biểu cũng kiến nghị Thành phố cần ghi nhận thêm ý kiến của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp. Từ đó, xác định được mức giá tối ưu, đúng nguyên tắc “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư” trong việc định giá đất.....
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam