October 31, 2022 | 15:32 GMT+7

Tăng giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ

Nhật Dương -

Vấn đề khi tăng giá dịch vụ y tế nhưng không tăng gánh nặng thêm cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ y tế, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, tạo cơ chế để thực hiện tự chủ bệnh viện tốt hơn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, giá viện phí mới bao gồm 4 yếu tố cấu thành gồm: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Trong khi đó, nếu tính đủ 7 yếu tố viện phí sẽ gồm các chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết Ban điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, song trước mắt chưa tăng giá viện phí trong năm 2022.

Hiện Bộ Y tế đang tính toán việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có việc xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật và xác đinh lại định mức này. Trên cơ sở định mức đó sẽ xây dựng các yếu tố chi phí cấu thành. 

“Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ như sắp tới đây, thì rõ ràng sẽ có tác động lên quỹ bảo hiểm y tế, tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là cần thiết”, ông Phúc nói và cho rằng, việc chi trả thế nào, mức bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Quan điểm là ngân sách nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các bệnh viện và cơ sở y tế, mà hỗ trợ thông qua mua bảo hiểm y tế. Việc hỗ trợ có thể là tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên để người dân được hưởng lợi, hoặc tăng tỷ lệ chi trả quỹ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng, thay vì 80% thì chi trả lên 90%.

“Vấn đề làm sao khi tăng giá dịch vụ y tế nhưng không tăng gánh nặng thêm cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ y tế, qua đó tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, tạo cơ chế để thực hiện tự chủ bệnh viện tốt hơn”, ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng cho rằng, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh để đảm bảo tính phù hợp, toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu thể hiện rõ hơn đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh như về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo…

Vì vậy, đại biểu cho rằng thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.

Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

“Giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân cần được thực hiện theo quy quy định của Luật Giá và cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh một cách tốt nhất”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng cho rằng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhưng không tăng chi phí cho người dân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate