April 06, 2022 | 14:58 GMT+7

Tăng giờ làm thêm từ 1/4: Thu nhập người lao động có gì thay đổi?

Nhật Dương -

Khi tăng số giờ làm thêm từ 1/4/2022, người lao động cũng có thêm cơ hội để tăng thu nhập. Mức tăng sẽ phụ thuộc vào số giờ làm thêm cùng tiền lương mà doanh nghiệp chi trả...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định về việc tăng số giờ làm thêm của người lao động nhằm phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm.

Các trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm, gồm: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Việc tăng số giờ làm thêm không chỉ giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động để trang trải cuộc sống.

Hiện nay, tiền lương làm thêm giờ của người lao động đang được xác định theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, hướng dẫn chi tiết tại Điều 55 và Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày được tính theo công thức:

Tăng giờ làm thêm từ 1/4: Thu nhập người lao động có gì thay đổi? - Ảnh 1

Trong đó, tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được tính theo công thức sau: Tiền lương giờ thực trả của ngày bình thường bằng Tiền lương thực trả của công việc đang làm trong tháng/tuần/ngày chia cho Tổng số giờ thực tế làm việc tương ứng trong tháng/tuần/ngày.

Tiền lương thực trả của công việc đang làm không bao gồm lương làm thêm giờ, lương trả thêm khi làm việc ban đêm; lương của ngày lễ, Tết, nghỉ có lương; tiền thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi có thân nhân bị chết, người thân kết hôn, sinh nhật, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ khác không liên quan đến thực hiện công việc/chức danh.

Mức 150% áp dụng khi làm thêm vào ngày thường. Mức 200% áp dụng khi làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần. Mức 300% áp dụng khi làm thêm vào ngày lễ, Tết, nghỉ có lương, chưa tính tiền lương của ngày nghỉ đó.

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính theo công thức: 

Tăng giờ làm thêm từ 1/4: Thu nhập người lao động có gì thay đổi? - Ảnh 2

Trong đó, tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được xác định như trường hợp làm thêm giờ vào ban ngày.

Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:

Ngày bình thường, ít nhất 100% lương của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó; ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó. 

Ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất 200% lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường. Ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ có lương, ít nhất 300% lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường.

Theo các chuyên gia, mặc dù pháp luật cho phép tăng số giờ làm thêm nhưng người sử dụng lao động chỉ được tận dụng lao động giờ làm thêm giờ khi có sự đồng ý của người lao động và cần đảm bảo đơn giá tiền lương làm thêm giờ.

Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng doanh nghiệp và người lao động cần thỏa thuận với nhau, đảm bảo trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi đảm bảo để người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện nay đơn giá tiền lương thời gian làm thêm giờ để trả công lao động đã được quy định rõ trong Bộ luật Lao động, các doanh nghiệp huy động làm thêm giờ cần tuân thủ chặt chẽ, dựa trên nền tảng các quy định của Nhà nước và các thỏa thuận tại doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate