Việc UBND của hai thành phố đầu tàu dự kiến tăng khung giá đất vào đầu năm 2008 có thể xem là một quyết định thiếu cân nhắc.
Đó là khẳng định của ông Trịnh Huy Thục, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản trong cuộc trao đổi với VnEconomy.
Theo dự kiến, bắt đầu từ 1/1/2008, khung giá đất ở Hà Nội và Tp.HCM sẽ tăng lên từ 20% đến 60%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc tăng hay giảm giá đất là do quyền hạn của chính quyền địa phương. Điều này đã được pháp luật quy định. Nhưng theo tôi, việc UBND thành phố Hà Nội và Tp.HCM dự kiến tăng khung giá đất vào đầu năm 2008 thì nên được xem xét lại.
Hiện nay, giá bất động sản ở Hà Nội và Tp HCM đang ở mức cao, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở và văn phòng nhóm A, nhóm B. Nếu đưa ra quyết định tăng khung giá đất vào lúc này, có thể sẽ gây ra những xáo trộn trên thị trường bất động sản theo hướng bất lợi cho người dân.
Lưu ý rằng, đất là tư liệu sản xuất đầu vào của nhiều lĩnh vực quan trọng. Nếu muốn tăng giá thì cần tính toán thận trọng. Theo dự kiến, UBND Hà Nội chỉ nói “chung chung” là tăng 20%, nhưng không dựa trên một cơ sở nào và tăng ở những khu vực nào.
Nếu cứ tung tin “nói vo” là tăng 20% thì chính UBND của cả hai thành phố đã vô tình thúc đẩy giá bất động sản lên cao hơn nữa. Và một khi giá bất động sản đã tăng cao thì nó sẽ kéo theo những hệ lụy đối với những thị trường khác như tiền tệ, tài chính, thị trường chứng khoán, giá cả tiêu dùng…
Nhưng chính quyền hai thành phố này lý giải sẽ tăng giá đất là vì họ cho rằng khung giá đất hiện nay đang quá thấp và nếu tăng lên thì khi đền bù người dân sẽ được lợi. Ý kiến của ông như thế nào ?
Theo tôi đây là một lý giải thiếu căn cứ, bởi hiện nay không có tiêu chuẩn nào để cho rằng giá đất của chúng ta đang ở mức thấp. Chúng ta nên nhận thấy mối quan hệ giữa giá bất động sản và thu nhập trung bình của người lao động hiện nay.
Chẳng hạn, nếu cho rằng giá đất hiện nay thấp thì thử hỏi xem liệu bao nhiêu người có thu nhập trung bình có đủ tiền mua được một mảnh đất nhỏ ở Hà Nội hay Tp.HCM...
Nếu chính quyền hai thành phố nói trên đưa ra những quyết định điều chỉnh không đúng lúc, không cân nhắc kỹ lưỡng thì vô tình sẽ gây hại cho những người mà họ muốn giúp đỡ.
Vậy theo ông, quyết định của hai thành phố sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản?
Đến thời điểm này, chúng ta cũng chưa thể nói nó sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến thị trường bất động sản tại hai thành phố này. Nhưng có một điều tôi xin nhắc lại rằng, bất luận một hành động gì mà không trên cơ sở hợp lý, thỏa đáng thì nó sẽ kéo theo những hệ lụy đáng tiếc.
Hiện nay thị trường bất động sản cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu “tập tễnh”, do đó, nếu chúng ta quyết định một cách vội vã thì có thể làm cho thị trường trở nên trầm lắng, kìm hãm sự phát triển các khu vực bất động sản mà xã hội đang có nhu cầu.
Ở khía cạnh quy hoạch đô thị, nếu do tăng thuế đất mà đẩy giá nhà, đất tăng theo, dẫn đến càng có nhiều người dân không thể mua được đất, nhà thì sẽ khiến họ quay lại xây dựng tự phát, làm mất mỹ quan, cảnh quan đô thị và hậu quả cũng sẽ nặng nề hơn nhiều. Còn nếu chúng ta khoan sức dân, tính giá hợp lý thì sẽ lợi cả đôi đường.
Vậy, trong thời gian tới, khi dự thảo này được phê duyệt thì phía Hiệp hội Bất động sản sẽ có ý kiến gì, thưa ông ?
Chắc chắn sắp tới chúng tôi cũng sẽ có ý kiến đóng góp với chính quyền hai thành phố để làm sao chúng ta có được một bài toán tổng thể, phải hài hòa giữa lợi ích quốc gia lâu dài với điều tiết trước mắt, đồng thời phải có sự thỏa đáng giữa trách nhiệm của người kinh doanh bất động sản và người chủ sở hữu. Nếu chúng ta không tính toán kỹ lưỡng ngay từ bước đầu thì rất dễ sai lầm ở những bước tiếp theo.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate