January 20, 2025 | 16:59 GMT+7

Tăng lương hưu, trợ cấp cho hơn 190.000 người có mức hưởng thấp

Thu Hằng -

Thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15% từ ngày 1/7/2024, đã có hơn 190.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp ở mức thấp dưới 3,5 triệu đồng đã được tăng mức hưởng, theo số liệu ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình thực hiện cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

HÀNG TRIỆU NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH TĂNG LƯƠNG HƯU

Về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 và Quyết định số 918/QĐ-TTg, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Đồng thời, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với Nghị định này. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, đã thực hiện điều chỉnh tăng 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2024.

Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức điều chỉnh chung nêu trên, nếu mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Nếu mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh lên bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Để có thể triển khai thực hiện được ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2024), Bộ đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Nghị định.

Do vậy, ngay trong kỳ chi trả lương hưu của tháng 7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đã được điều chỉnh và được hưởng theo mức mới.

Theo số liệu ước tính, có hơn 3,09 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh mức hưởng.

Trong đó, số người hưởng từ nguồn ngân sách Nhà nước đảm bảo là hơn 833.000 người, số người hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo là hơn 2,26 triệu người.

Riêng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng ở mức thấp dưới 3,5 triệu đồng được điều chỉnh là hơn 190.000 người.

Kinh phí thực hiện (ước tính) là khoảng 16.780 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 3.650 tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm xã hội 13.130 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay mức bình quân lương hưu khoảng gần 7 triệu đồng/tháng, bao gồm cả lực lượng vũ trang. Song nếu chỉ tính ở khu vực dân sự, mức lương hưu bình quân có thể thấp hơn.  

Để có mức lương hưu trung bình như trên, ông Thọ cho biết Chính phủ đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh lương hưu cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế. 

ĐẨY MẠNH CHI TRẢ CÁC CHẾ ĐỘ AN SINH QUA TÀI KHOẢN

Về điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%).

Người hưởng lương hưu, trợ cấp tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Đối với trợ cấp xã hội, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, quy định điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%) kể từ ngày 1/7/2024.

Để kịp thời triển khai thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Đặc biệt, đẩy mạnh chi trả trợ cấp an sinh xã hội đến các đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội qua tài khoản của đối tượng thụ hưởng, hoặc người được ủy quyền đã có tài khoản; đôn đốc, tuyên truyền, thông tin và kiểm tra, giám sát triển khai việc thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 76 từ ngày 1/7/2024 cho khoảng 3,4 triệu người.

Trong đó, có gần 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp đối với người khuyết tật; 15.000 trẻ em hưởng trợ cấp đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 126.000 trẻ em hưởng trợ cấp đối với trẻ em đưới 3 tuổi; 80.000 người hưởng trợ cấp đối với người đơn thân nghèo đang nuôi con...

Hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng cho 412.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 30.000 tỷ đồng.

Có 32/63 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

2 tỉnh đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP; 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai công tác chi trả không dùng tiền mặt cho hơn 2,1 triệu đối tượng bảo trợ xã hội qua tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán (chiếm 94% số đối tượng có tài khoản và 56% tổng số đối tượng).

Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và chính trị đất nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate