Nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối (tức thuế hỗn hợp) đối với thuốc lá cũng là định hướng mà Chính phủ đã đưa ra trong chiến lược và kế hoạch cải cách hệ thống thuế Việt Nam đối với ngành thuốc lá trong những năm tới.
CÁC CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT TRÊN THẾ GIỚI
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam cho hay, trong 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hiện phổ biến trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia) xét tại thời điểm năm 2018.
Số liệu năm 2021 từ WHO cũng chỉ ra, các quốc gia có xu hướng chuyển sang áp dụng cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp (tăng 22,5% từ 102 quốc gia năm 2008 lên 125 quốc gia năm 2018 - chiếm tỷ trọng 69% số nước trong thống kê). Trong khi đó số nước áp dụng cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm đơn thuần giảm 25% trong giai đoạn trên (từ 55 quốc gia xuống 41 quốc gia).
Với cơ cấu thuế tuyệt đối, khoảng cách giá giữa các sản phẩm cao cấp và giá thấp hơn sẽ được thu hẹp hơn, từ đó tạo động lực giảm sử dụng các sản phẩm chất lượng thấp hơn với giá rẻ. Xu hướng này có thể thấy ở 21 quốc gia EU áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp (chi phối bởi thành phần thuế tuyệt đối).
Ngoài cấu trúc thuế, một khía cạnh khác cần cân nhắc là về việc sử dụng hệ thống "đánh thuế đa bậc", thường cho giá thuốc lá trung bình và thuế tiêu thụ đặc biệt trung bình trên một bao thuốc lá thấp hơn nhiều so với các nước sử dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt đơn bậc. Tuy nhiên, mục tiêu chính của các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đa bậc là bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ và thúc đẩy cạnh tranh.
Dù như thế nào, theo WHO, thiết kế chính sách thuế thuốc lá cần ưu tiên tính đơn giản và cơ cấu thuế tuyệt đối đơn bậc là cơ cấu thuế tốt nhất vì nó có thể dễ dàng điều chỉnh thường xuyên theo lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Đơn giản hóa cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế, giảm cơ hội tránh và trốn thuế, nâng cao nguồn thu và có tác động lớn hơn đến việc giảm sử dụng thuốc lá.
Trong tương lai, WHO đề xuất các quốc gia hiện đang áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm như Việt Nam, đầu tiên, nên bắt đầu chuyển sang hệ thống hỗn hợp bằng cách thêm cấu phần thuế tuyệt đối hoặc đưa ra mức thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu. Còn các quốc gia đang áp dụng hệ thống hỗn hợp nên xem xét việc tăng cấu phần thuế tuyệt đối chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng thuế tiêu thụ đặc biệt trước khi chuyển sang một hệ thống thuế tuyệt đối thuần túy.
Theo đánh giá của PwC Việt Nam, một cơ cấu thuế hiệu quả là cơ cấu có khả năng cân bằng các mục tiêu sức khỏe và tạo ra nguồn thu thuế bền vững đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng thuốc lá bất hợp pháp.
PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH TÍNH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT CHO VIỆT NAM
Trên cơ sở phân tích chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành của Việt Nam, các mục tiêu của Chính phủ và trên cơ sở tham khảo chính sách thuế của một số quốc gia điển hình, báo cáo của PwC Việt Nam đã nêu một số phương án cải cách cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn hạn và định hướng dài hạn.
Theo đó, phương án 1 là chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc; phương án 2 là chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví dụ: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.
Mỗi phương án nêu trên đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung, PwC Việt Nam cho rằng phương án 1 là phương án hợp lý hơn cho Việt Nam. Phương án này cũng phù hợp với định hướng cải cách của Bộ Tài chính.
Đi vào chi tiết, Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” tổ chức vào tháng 8/2022 tại Hà Nội đã đề xuất phương án sửa đổi theo lộ trình: hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000đ/bao. Tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm tiếp theo nâng từ 1.000đ/bao lên 1.500đ/bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000đ/bao.
TIẾN TỚI CHUYỂN ĐỔI 100% SANG THUẾ TUYỆT ĐỐI
Điểm khác biệt chính là thay vì tăng thuế một cách đột ngột, mức tăng thuế được thực hiện dần theo lộ trình để doanh nghiệp và thị trường thích ứng dần dần. Chẳng hạn trong phương án 1, theo báo cáo của PwC Việt Nam, tính thuế tuyệt đối ở mức thấp hơn so với đề xuất của Bộ Tài chính sẽ tránh được sự tăng giá đột biến ở nhóm thuốc lá hợp pháp, khiến người tiêu dùng chuyển đổi sang thuốc lá rẻ hơn bao gồm cả thuốc lá kém chất lượng, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc lá lậu.
Về lâu dài, Báo cáo của PwC Việt Nam đề xuất Việt Nam tiến dần đến một hệ thống thuế tuyệt đối sau 10 hoặc 15 năm. Bởi cơ cấu thuế tuyệt đối là một cơ cấu thuế ưu việt hơn so với cơ cấu thuế hỗn hợp hoặc cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm, vì việc thu thuế sẽ dựa trên sản lượng thuốc lá tiêu thụ. Cơ cấu thuế tuyệt đối cũng giúp tránh được vấn đề chênh lệch giá lớn giữa giá xuất xưởng và giá bán lẻ.
Nhưng để chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối một cách thuận lợi, Bộ Tài chính nên xem xét tăng dần thành phần thuế tuyệt đối và giảm thành phần thuế tương đối, nhằm khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy sự chênh lệch về giá thuốc lá sẽ thu hẹp dần và khi đến thời điểm phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối.
Thực tế, xu hướng thế giới là áp dụng cơ cấu thuế tuyệt đối nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cơ cấu thuế tuyệt đối đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia và có thể mang lại lợi ích cho Chính phủ trong việc ổn định nguồn thu, đơn giản hóa thủ tục hành chính và dễ dàng điều chỉnh theo lạm phát. Cơ cấu này cũng giúp tạo sự ổn định môi trường kinh doanh trong ngành, thúc đẩy cạnh tranh và mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.
Trong bối cảnh chung của Việt Nam hiện nay, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đề xuất, cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.
Chính phủ Việt Nam đã có những chiến lược, mục tiêu tổng thể và kế hoạch đặt ra đối với ngành thuốc lá, được quy định tại Quyết định 508/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2023 về “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” và Quyết định 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính “Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, cũng như cam kết của Việt Nam thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nguyên tắc cơ bản của thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá là xây dựng giá và các biện pháp đánh thuế nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá (đặc biệt đối với trẻ vị thành niên), đóng góp vào mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, các nước tham gia trong đó có Việt Nam cũng được khuyến nghị thực hiện Điều 6 của Công ước khung. Đó là “Các Bên nên thực hiện và triển khai hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả nhất phù hợp nhu cầu về tài chính và sức khỏe cộng đồng. Các Bên nên xem xét thực hiện hệ thống thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với một mức tuyệt đối sàn tối thiểu, vì các hệ thống thuế này có nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống thuế tương đối đơn thuần”.
Riêng về chiến lược cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030, Quyết định 508 và Quyết định 2439 nêu rõ “xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ôtô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế…; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế”.