Hiện nay, khi công nghệ phát triển như vũ bão, doanh nghiệp buộc phải tìm ra những giải pháp, chiến lược đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh trong bối cảnh Bình thường mới. Trên công cụ tìm kiếm Google, từ khóa “Open Innovation” hiện có đến gần 1,5 tỷ lượt tra cứu. Có thể nói, Đổi mới sáng tạo Mở chính là chìa khóa đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng, trong khi sẽ tiết kiệm đến 30% chi phí đầu tư (theo Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2021).
Dự án “Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam” (2021 - 2025) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Trong đó, nhằm định hướng và hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ứng dụng các mô hình Đổi mới sáng tạo Mở, Hội thảo “Tăng tốc đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên Đổi mới sáng tạo mở” đã được Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở BambuUP và Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp tổ chức vào chiều ngày 28/10/2022.
NHỮNG MÔ HÌNH PHỔ BIẾN
Theo Bà Phan Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo (CEI), Đại học Fulbright Việt Nam, để thực hiện đổi mới sáng tạo, có 4 mô hình phổ biến mà các doanh nghiệp đang áp dụng là: mở nhóm đổi mới sáng tạo nội bộ, thuê tư vấn đổi mới sáng tạo, kết hợp cùng các công ty khởi nghiệp và hợp tác với các trường đại học.
Thế nhưng, để có thể tăng tốc Đổi mới sáng tạo Mở thành công, Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí mà theo Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của BambuUP là tiêu chí 4 Không – Thì – Không:
"Thứ nhất, không có nhận thức đúng đắn kèm theo sự quyết tâm thì không triển khai được. Thứ hai, Không có kỹ năng về ĐMST từ khái niệm tới triển khai thì sẽ không hiện thực hóa được. Thứ ba, nếu không có một cấu trúc tổ chức thực hiện phù hợp thì không vận hành được. Và thứ tư, nếu không có cách thức thu nhận thông tin ĐMST một cách đa dạng, liên tục & cập nhật nhất thì quá trình thực thi sẽ không có hiệu quả. ĐMST rất cần sự kiên định từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là ban lãnh đạo, giám đốc để thành công”, bà Hương Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không là chưa đủ mà yếu tố “connection” (kết nối) mới là 2 cấu phần không thể thiếu trong Đổi mới sáng tạo Mở. Nói về vấn đề này, bà Quỳnh khẳng định chỉ khi kết nối doanh nghiệp trước khi đổi mới sáng tạo, đó mới thực sự là Đổi mới sáng tạo Mở.
NHỮNG CÂU CHUYỆN THỰC TẾ CỦA DOANH NGHIỆP
Tại hội nghị, phiên Tọa đàm cùng các nhà lãnh đạo ĐMST mở tiên phong đã góp phần nâng cao năng lực ĐMST mở cho các nhà lãnh đạo Doanh nghiệp thông qua những lời khuyên và ví dụ thực tiễn dựa trên tình hình thị trường hiện nay.
Ông Lại Văn Kiên, Giám đốc R&D (Nghiên cứu và Phát triển) của Tập đoàn SUNHOUSE, cho biết thông qua đổi mới sáng tạo mở, SUNHOUSE có thể coi là một bệ phóng, với sản phẩm và nền tảng nhằm thu hút, tiếp thu tri thức từ các nguồn lực bên ngoài như sinh viên, hay đặc biệt là startup. "Chúng tôi không giới hạn nguồn lực và sẵn sàng kết hợp với các thành phần bên ngoài để hiện thực hóa các giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp đem lại điều tốt nhất cho người dùng”, ông Kiên chia sẻ.
Đáng chú ý, cũng trong phần tọa đàm, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade đã đưa ra quan điểm thú vị về nhiệm vụ của doanh nghiệp trên con đường đổi mới sáng tạo: “Hoạt động sáng tạo chính là tìm kiếm nỗi đau để xử lý nỗi đau cho khách hàng. Tất nhiên, trên con đường xử lý nỗi đau cho khách hàng, mình cũng cần cố gắng khơi gợi nỗi đau khác. Vì về bản chất, đổi mới sáng tạo là một vòng tròn đi lên”.
Còn theo ông Trần Hoàng Thắng, quản lý chương trình đổi mới sáng tạo USAID IPSC, Đổi mới sáng tạo không nhất thiết là phải nghĩ ra sản phẩm, dịch vụ mà thế giới chưa từng có. "Mà trên thế giới họ làm rồi nhưng Việt Nam chưa có, chúng ta làm cái đấy tại Việt Nam thì cũng là đổi mới sáng tạo”, ông Thắng chia sẻ.