Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính hết tháng 5/2023, tổng số vốn đầu tư công được phân bổ trên 692.138 tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 707.044 tỷ đồng). Ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/5 trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,80% kế hoạch và đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đánh giá, thách thức cho công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là rất lớn khi tổng mức đầu tư của năm là 726.684 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 và ở mức kỷ lục so với giai đoạn 2016-2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng giao.
Bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo đó, đối với những đơn vị phân bổ đúng quy định và những dự án đủ điều kiện giải ngân, Bộ Tài chính thực hiện nhập, hoặc phê duyệt ngay dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án.
Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng đơn vị đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định, làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, dừng thanh toán và thông báo một lần lý do trong 3 ngày làm việc.
Sau khi được kiểm tra phân bổ, cơ bản các đơn vị có báo cáo bổ sung, hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Chia sẻ với báo giới gần đây, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết đơn vị đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu sớm hình thành “Kho bạc 3 không” gồm: không khách hàng giao dịch trực tiếp, không tiền mặt và không chứng từ giấy.
Cụ thể, một là, để đạt được mục tiêu về không có khách hàng giao dịch trực tiếp tại trụ sở, Kho bạc Nhà nước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ điện tử từ xa để Kho bạc Nhà nước kiểm soát tự động, chuyển sang thanh toán tự động…
Ngoài việc ban hành các văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Kho bạc Nhà nước cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
Với 11 thủ tục hành chính này được tích hợp lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Kho bạc Nhà nước cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án.
"Điều này rất thuận tiện cho khách hàng giao dịch, giúp khách hàng không phải đi lại, tiết kiệm chi phí, thời gian và góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công", lãnh đạo Kho bạc Nhà nước đánh giá.
Hơn nữa, việc kiểm soát thời gian thanh toán qua hệ thống rất chặt chẽ, các đơn vị gửi hồ sơ chứng từ ở thời điểm như thế nào đều được ghi lại trên hệ thống, nên cán bộ Kho bạc Nhà nước không thể trì hoãn thời gian thanh toán.
Hai là, để triển khai không tiền mặt tại trụ sở Kho bạc Nhà nước, hiện đơn vị ủy nhiệm thu ngân sách qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Việc chi ngân sách tại trụ sở hiện chỉ dưới 1% là thanh toán tiền mặt, còn lại tới 99% là không dùng tiền mặt.
Ba là, hệ thống Kho bạc Nhà nước đang phấn đấu thực hiện mục tiêu không chứng từ giấy và đặt kỳ vọng thời gian tới sẽ sớm hoàn thành mục tiêu này.
Khi Kho bạc Nhà nước và các đơn vị khác đạt được mục tiêu 3 không sẽ giúp quá trình cấp phát, chi trả ngân sách nhà nước, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công sẽ thuận lợi hơn nhiều.