Thanh khoản phiên chiều nay thậm chí còn tệ hơn buổi sáng, nhưng giao dịch không vì thế mà xấu đi. Ngược lại, độ rộng tiếp tục mở rộng hơn, thậm chí số tăng giá mạnh còn nhiều lên.
VN-Index chốt phiên chiều tăng 6,59 điểm tương đương 0,45%, nhích nhẹ từ mức tăng 3 điểm (0,21%) cuối phiên sáng. Tuy nhiên số mã tăng giá mở rộng đáng kể về số lượng lẫn biên độ.
Cụ thể, HoSE kết thúc phiên với 272 mã tăng/150 mã giảm. Số mã kịch trần tăng từ 10 lên 18 mã; Số mã tăng trên 2% tăng từ 53 mã buổi sáng lên 65 mã; Số mã tăng trên 1% duy trì 61 mã (phiên sáng là 63 mã). Nói cách khác, mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay được nâng lên đáng kể.
Điểm không tương thích trong diễn biến giá cổ phiếu nói trên là thanh khoản khá yếu. HoSE chỉ khớp thêm 7.062 tỷ đồng, giảm 25% so với phiên sáng. Mức giao dịch yếu ớt này khiến tổng giá trị khớp cả ngày chỉ đạt gần 16.459 tỷ đồng, chính thức lập mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10/2021. Không chỉ giảm khớp lệnh, ngay cả thỏa thuận hôm nay cũng rất tệ nên tổng giao dịch HoSE chỉ còn 18.744 tỷ đồng.
Thanh khoản thấp và giá cổ phiếu tăng nhiều cho thấy đang có sự lưỡng lự trong việc xuống tiền. Điều này có thể là do nhà đầu tư chờ đợi những lộn xộn của phiên đáo hạn phái sinh ngày mai qua đi hoặc kết thúc đợt tái cơ cấu ETF tháng quý 1/2022. Đây là những yếu tố tác động nội tại trong thị trường, còn yếu tố ngoại biên đều khá thuận lợi: Bất chấp FED dự kiến tăng lãi suất cuối tuần này, chứng khoán thế giới đang tăng tốt, cộng với giá dầu phục hồi hơn 2%.
Dòng vốn trong nước thu hẹp lại đột ngột nên giao dịch của khối ngoại trở nên lớn hơn. Cụ thể, khối này xả 1.485 tỷ đồng trên HoSE, giảm tới 35% so với hôm qua, nhưng tỷ trọng vẫn chiếm xấp xỉ 8% tổng giao dịch ở sàn này. Mức bán ròng hôm nay cũng rất nhẹ với -299,8 tỷ trong khi hôm qua xả gần 429 tỷ.
Dù mặt bằng giá cổ phiếu thật sự cao lên trong chiều nay, nhưng các chỉ số không tăng dứt khoát được. VN30-Index thậm chí đóng cửa chỉ tăng 0,26% dù có 15 mã tăng/12 mã giảm. Các chỉ số tiếp tục thiếu đi lực đẩy đáng kể từ các trụ. VCB tăng 1,73%, GAS tăng 1,11%, MBB tăng 1,58%, SAB tăng 1,78%, TCB tăng 0,93% là 5 blue-chips kéo VN-Index nhiều nhất. Phía giảm có BID giảm 1,19%, VHM giảm 0,4%, VIC giảm 0,26%, MSN giảm 0,43%, GVR giảm 0,44%.
Có thể thấy phía giảm không gây nhiều áp lực, nhưng việc thiếu vắng trụ khiến chỉ số đi lên rất chậm. May mắn là nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới diễn biến giá cổ phiếu cụ thể hơn chỉ số. Các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn phân hóa. Dầu khí ngoài GAS, có PVO, PVT kịch trần trong khi PVS, PVC, PVD vẫn giảm. Phân bón có DCM tăng 2,34%, DPM tăng 1,28%, NFC tăng 7,2%, SFG tăng 3,6%, PMB tăng 2,5%, LAS tăng 1,4%... Cổ thép hầu hết là đóng cửa trên tham chiếu, nhưng mức độ tăng nhẹ.
Số kịch trần hôm nay tuy nhiều nhưng cũng không mang tính đại diện, do dòng vốn đổ vào các mã cụ thể. Những cổ phiếu hút dòng tiền rất tốt và giá kịch trần có thể kể tới ASM với 230 tỷ đồng thanh khoản, FRT với 153,9 tỷ, IDI với 145,8 tỷ, APH với 316,2 tỷ...
Sự thận trọng trong thanh khoản có thể sẽ vẫn tiếp tục cho tới cuối tuần này, khi ngày mai hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn tháng 3 sẽ kết thúc, đồng thời FED họp bàn kế hoạch tăng lãi suất. Thứ Sáu là thời điểm các quỹ ETF tái cơ cấu. Dù vậy việc cổ phiếu vẫn tăng giá vượt trội so với chỉ số là do dòng tiền hoạt động theo nhóm ngành.