Trong báo cáo cập nhật vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán Bản Việt - VCSC đã đưa ra một số giả định về kinh tế thế giới, Việt Nam và hàm ý cho thị trường.
Theo đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2023 và chạm đáy vào quý 2/2023 khi các nền kinh tế phương Tây trải qua giai đoạn khó khăn do lạm phát gây ra. Lạm phát đã đạt đỉnh trên toàn cầu, và sẽ giảm dần trong năm 2023 và tiến gần đến mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong nửa đầu năm 2024.
Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Châu Âu sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt trong 6 tháng đầu năm 2023 và tiếp tục có các phát biểu “cứng rắn” về lạm phát nhưng lãi suất chính sách sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2023.
Lạm phát ở các nền kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương thấp hơn so với các nền kinh tế phương Tây. Các ngân hàng trung ương ở Châu Á đã sử dụng kết hợp các biện pháp can thiệp ngoại hối và tăng lãi suất để cố gắng hạn chế tác động lạm phát từ việc mất giá tiền tệ so với USD. Điều hành tỷ giá hối đoái thông qua lãi suất sẽ vẫn là trọng tâm chính sách của NHNN trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, đồng USD hạ nhiệt khi chu kỳ thắt chặt của Fed đạt đỉnh sẽ giúp giảm bớt áp lực này.
Trong nước, một số chủ đầu tư bất động sản có thể gặp khó khăn về tài chính do đòn bẩy tài chính cao và/hoặc tiến độ bán hàng chững lại tại một số dự án cụ thể. Tuy nhiên, Việt Nam dường như không đầu tư quá cao vào các tài sản không sinh lợi ở cấp độ vĩ mô và không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay nước ngoài. Dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng (ước tính chiếm khoảng 6-7% tổng tín dụng) vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng về thanh khoản khi cần thiết, nhưng Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các chủ đầu tư bất động sản tư nhân.
6 tháng đầu năm 2023 sẽ vẫn là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam do nhu cầu xuất khẩu vẫn thấp và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì hoặc thậm chí tăng lãi suất để điều hành tỷ giá USD/VND.
VCSC cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ 6,7% xuống 6,5% và kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 7,0%, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc có thể tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023: 1) Dư địa tài khóa lớn có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng thông qua đầu tư công; 2) Đà phục hồi của của khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2022 đã tương đương 20% so với mức trước dịch COVID-19); 3) Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng các lệnh phong tỏa COVID-19 sẽ là yếu tố tích cực đối với xuất khẩu và khách du lịch đến Việt Nam; 4) giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng.
Đối với thị trường chứng khoán, VCSC điều chỉnh dự phóng mục tiêu chỉ số VN-Index vào cuối năm 2023 từ 1.400 điểm còn 1.300 điểm và dự báo mục tiêu chỉ số VN-Index tạm thời cuối năm 2024 là 1.500 điểm.
Dựa trên dự báo tăng trưởng EPS là 11%/10%/14% cho các năm 2022/2023/2024, mức đóng cửa năm 2022 đạt 1.007 điểm của VN-Index tương ứng với P/E dự phóng các năm 2022/2023/2024 là 10,5 lần/9,5 lần/8,4 lần so với P/E trượt trung bình 8 năm/dự phóng 12 tháng lần lượt là 15,5 lần/13,8 lần
Những rủi ro chính đối với triển vọng tích cực gồm tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI; Lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn;
Các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; Chính sách tài khóa thắt chặt hơn dự kiến; và Các rủi ro khác như leo thang của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn là một yếu tố ảnh hưởng đáng kế đến dự báo lợi nhuận chung của thị trường. Mặc dù VCSC đã tăng dự phóng tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng giai đoạn 2023/2024 sau khi lãi suất điều hành tăng 200 điểm cơ bản vào tháng 9 - tháng 10/2022, nhưng các yếu tố rủi ro cao hơn dự báo có thể dẫn đến khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận cho ngành ngân hàng và thị trường nói chung.