Chỉ số số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Bình trong 9 tháng qua cũng tăng tới 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại của tỉnh Quảng Bình trong 9 tháng qua tiếp tục phát triển và tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 34.854,6 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá, tăng 10,5%).
Hầu hết nhóm ngành hàng đều tăng trên 10% so với cùng kỳ, trừ nhóm ô tô các loại và phương tiện đi lại giảm do sức mua giảm bởi tác động từ thị trường chứng khoán, bất động sản cũng như cho vay tiêu dùng chưa phục hồi.
Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 13.089,0 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn và tăng 16,1% so với cùng kỳ, đóng góp tăng cao nhất (5,9 điểm phần trăm) trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Kết thúc mùa cao điểm, du lịch Quảng Bình cũng đạt nhiều kết quả tích cực với tổng lượng khách ước đạt gần 3,67 triệu lượt khách, vượt gần 05% so với kế hoạch cả năm.
Tính chung 9 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 454,3 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ, số lượt khách lưu trú đạt 1.362.970 lượt khách, tăng 37,1% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 3.187,0 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ đạt 1.585,2 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải 9 tháng năm 2023 của Quảng Bình tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cả về vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 25,7 triệu tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.784,9 triệu tấn.km, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 4.059,4 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ; trong đó, vận tải hành khách đạt 657,6 tỷ đồng, tăng 11,0%; vận tải hàng hóa đạt 3.075 tỷ đồng, tăng 16,8%; dịch vụ hổ trợ vận tải đạt 326,8 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Tổng số hành khách vận chuyển đạt 25,6 triệu hành khách, tăng 13,0% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.155,5 triệu hành khách.km, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Đối với tình hình vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tính chung 9 tháng năm 2023, đạt 21.128,5 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 5.258,0 tỷ đồng, tăng 37,2%; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 15.814,1 tỷ đồng, tăng 2,3%; vốn đầu tư thực hiện thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 46,6% so với cùng kỳ năm trước.
Còn về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh này do địa phương quản lý, tính chung 9 tháng năm 2023, đạt 3.451,3 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.272,5 tỷ đồng, tăng 8,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 691,7 tỷ đồng, tăng 13,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 487,1 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 4/10 vừa qua, đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này trong 9 tháng qua.
Cụ thể, như thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với kế hoạch; hạ tầng và nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu tác động lớn của thị trường, vấn đề giải phóng mặt bằng các dự án...
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức, cơ quan, đơn vị; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai quyết liệt các chương trình mục tiêu Quốc gia.
Trong đó, chú trọng hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng công trình thi công mới; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá nguyên, nhiên vật liệu, đất đai, tài nguyên; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành; tập trung chỉ đạo tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh; tăng cường chỉ đạo thu ngân sách.