March 16, 2022 | 06:00 GMT+7

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Ẩn số từ cuộc xung đột Nga – Ukraine

Vũ Phong – Ngọc Trang

Mặc dù Việt Nam cách chiến trường gần 8.000 km nhưng dường như “khói lửa” của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng bắt đầu lan đến đây. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ảnh hưởng mang tính tiêu cực cho nền kinh tế vừa mới bước đầu hồi phục lại sau cú sốc Covid-19...

Tọa đàm “Xung đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/3 - Ảnh: Chu Xuân Khoa
Tọa đàm “Xung đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/3 - Ảnh: Chu Xuân Khoa

Số liệu của Bộ Công Thương công bố cho biết: kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD. Đối với Ukraine, thương mại hai chiều Việt Nam - Ukraine mới đạt trên 720 triệu USD. Như vậy, cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng trên 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.

ÁP LỰC NGẮN HẠN ĐÃ LỘ DIỆN

Với con số thống kê xuất nhập khẩu như trên, nhiều quan điểm cho rằng xung đột Nga – Ukraine ít ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn chi tiết tại một số mặt hàng, sẽ có nhiều điều cần chú ý.

Cụ thể, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, Nga là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 10 năm qua đã tăng từ 364.000 USD (năm 2012) lên hơn 14 triệu USD (năm 2021), tăng gấp hơn 39 lần.

Trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này không ổn định nhưng đang có xu hướng tăng và phục hồi tốt sau đại dịch. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước, tăng 58% so với năm 2020 và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Riêng tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga tăng 427% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Nga hiện đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta. Nga được coi là một trong những thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam với nhu cầu tốt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA).

Trái lại, những năm qua, Nga là thị trường chính cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 53.700 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 114,13 triệu USD.

Như vậy, mặc dù tổng giá trị xuất nhập khẩu nhỏ, nhưng ở một số mặt hàng, Nga và Ukraine lại là đối tác quan trọng của Việt Nam. Lẽ đó, xung đột Nga – Ukraine chắc chắn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại song phương giữa Việt Nam và hai nước trên.

Thực tế cho thấy, theo ghi nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), những ngày gần đây, xuất khẩu tôm sang Nga đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa biết có được thông quan hay không.

Tương tự, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc cũng cho biết có nhiều lô hàng xuất khẩu tại Việt Nam đã đến Hà Lan nhưng đang bị “giam” ở đây, vì không thể chuyển sang Nga.

Thậm chí, một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hoá. Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Thêm vào đó, về thanh toán các hợp đồng thương mại, đối với Nga, liên tiếp trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào hệ thống ngân hàng - tài chính của Nga. Điều này khiến tỷ giá đồng Rúp biến động, mất giá rất mạnh, khiến một số nhà nhập khẩu của Nga đề nghị tạm dừng thanh toán trong 2-3 tuần để chờ tình hình ổn định.

Nhìn chung, theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, với cách tổ chức nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có thể hứng chịu những tác động sâu rộng từ cuộc xung đột Nga- Ukraine và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa…

CẨN TRỌNG RỦI RO LẠM PHÁT

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra trùng với thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương các nước khác đang có kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu, lương thực, dịch vụ giao thông tăng… là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1% trong tháng 2. Giá xăng dầu tại Việt Nam đang ở mức đỉnh lịch sử khi đã có 5 lần tăng giá xăng từ đầu năm tới nay, với mức tăng khoảng 12-13% (tùy loại). Bình quân hai tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lạm phát cơ bản tăng 0,67%.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Ẩn số từ cuộc xung đột Nga – Ukraine - Ảnh 1

Cuộc giao tranh cùng với các lệnh trừng phạt đang làm gián đoạn thương mại của Nga và Ukraine với nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa lên mức cao chưa từng thấy, đặc biệt là khi hai quốc gia này chiếm khoảng 12% sản lượng dầu và 17% sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu.

Riêng với Nga, việc quốc gia này bị phong tỏa trên hầu hết thị trường, từ hàng hóa cho tới tài chính, vận tải, gây ra những tác động nghiêm trọng, bởi đây là nước sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu, là nhà xuất khẩu phân bón, nickel, palladium, thép, than đá... hàng đầu thế giới.

Nhiều chuyên gia dự báo sự gián đoạn nguồn cung có thể khiến giá cả các mặt hàng này tăng tới 50%, dẫn tới lạm phát tăng mạnh. Có thể thấy rõ điều này trong “cơn bão giá” trên thị trường dầu mỏ với giá dầu Brent đang ở mức kỷ lục 14 năm.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Việt Nam đang ở trong tình thế bất lợi bởi chi phí năng lượng tăng cao.

“Giá xăng dầu tăng tác động đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt tại Việt Nam. Ngoài ra, việc này cũng làm tăng giá cả hàng hóa tại các nước mà chúng ta có quan hệ nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu nhận định tại tọa đàm “Xung đột Nga - Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 7/3.

“Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn và đây là mặt hàng chúng ta nhập khẩu nhiều. Nếu giá phân bón tăng thì không chỉ tác động đến doanh nghiệp, nền nông nghiệp mà tác động đến cả bà con nông dân. Mà giá phân bón tăng sẽ quay ngược trở lại làm tăng lạm phát”, ông Hiếu phân tích.

Cuộc xung đột không chỉ làm hạn chế nguồn cung từ Nga mà hoạt động vận tải và giao hàng cũng bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như biện pháp đáp trả của Moscow. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau hai năm đại dịch Covid-19.

Việc phương Tây và Nga quyết định đóng cửa không phận với máy bay của nhau đã ảnh hưởng tới hoạt động của các hàng không vận chuyển khoảng 20% lượng hàng hóa thế giới và 1/4 lượng hàng hóa trên tuyến hàng không Á-Âu. Trong khi đó, vận tải đường biển cũng bị gián đoạn do các cảng biển quanh khu vực Biển Đen đóng cửa, khiến hàng trăm tàu hàng cùng hàng hóa bị mắc kẹt hoặc ngừng hoạt động.

Theo các chuyên gia, giá cả nhiên liệu tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và vận tải gây ra sức ép lạm phát lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cả trong ngắn và dài hạn do nền kinh tế có độ mở lớn.

“Tác động lớn hơn cả là tác động gián tiếp. Việt Nam đang trong xu thế chung với nguy cơ lạm phát tăng lên trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi chưa có cuộc chiến này, nguy cơ lạm phát đã lớn rồi. Việt Nam đang đối diện với lạm phát chi phí đẩy, mọi chi phí giá cả hàng hoá như nguyên vật liệu, phân bón, lúa mỳ, lúa mạch đều tăng. Chuỗi cung ứng toàn cầu phải được cấu trúc lại bao giờ chi phí cũng rất cao”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận định.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết trong khi thế giới đã có biện pháp để kìm lạm phát và tăng lãi suất, Việt Nam chưa làm được điều này mà còn phải tung ra gói hỗ trợ mới.

“Rủi ro lạm phát với Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy nhiều hơn là cầu kéo. Cầu của ta đang tăng trở lại nhanh hơn so với thế giới, nên cần hết sức thận trọng với lạm phát trước mắt và cả trung, dài hạn”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.

Báo cáo mới đây của TS. Cấn Văn Lực cùng Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định trong trung và dài hạn, cuộc xung đột cũng ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam. Đặc biệt, đứt gãy chuỗi cung ứng, giao vận do các lệnh trừng phạt kéo tụt đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu, du lịch và thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tuy vậy, trong nguy có cơ, cuộc chiến này cũng mở ra một số cơ hội mới cho Việt Nam. Nếu phát huy được các điểm mạnh và hành động quyết liệt, Việt Nam có thể đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phương Tây, thúc đẩy hợp tác thương mại với Nga.

 

Kiến nghị giảm tác động tiêu cực từ giá xăng dầu phi mã

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu tăng mạnh, hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và sau này, chúng tôi có bốn kiến nghị chính như sau:

Thứ nhất, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan tăng cường theo dõi sát diễn biến giá dầu, trong đó cần tính toán tác động của kịch bản giá dầu ở mức 90-100 USD/thùng, tăng bình quân 30-40% so với năm 2021 để có những biện pháp ứng phó phù hợp. Phát huy và tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả (bao gồm cả việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá hàng hóa do Nhà nước quản lý), đảm bảo hiệu quả Chương trình phục hồi, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%.

Thứ hai, nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu dài hạn. Bộ Công Thương chủ trì, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu lâu dài hơn cho nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ sớm cho phép mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác động của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế trong nước. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn cung cả trong và ngoài nước; nghiên cứu nguồn cung thay thế, đảm bảo ổn định hơn nguồn cung trong nước, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần phân tích những yếu tố về cơ sở giá, thuế và phí xăng dầu để đề xuất điều chỉnh phù hợp; đồng thời rà soát, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sát thị trường, hiệu quả hơn nữa, nhất là về tần suất, thời điểm và mức độ bình ổn một cách linh hoạt, phù hợp.

Về lâu dài, Chính phủ chỉ đạo cân nhắc phương án tối ưu (giữa việc có duy trì hay không duy trì quỹ bình ổn này) trên cơ sở rà soát, đánh giá khoa học, thực tiễn, phù hợp bối cảnh Việt Nam.

Thứ tư, về quản lý giá xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá và có phương án quản lý giá xăng dầu phù hợp, căn cơ hơn nữa. Cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong cung ứng, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, tăng cường công khai minh bạch, hiệu quả của hệ thống kiểm tra, giám sát, hạn chế trục lợi, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate