Tháng 3 hàng năm, Quốc hội Trung Quốc tiến hành họp thường niên để quyết sách các vấn đề kinh tế-xã hội và ít khi gây bất ngờ. Tuy nhiên, năm nay, một trong những bất ngờ lớn nhất là không có họp báo của Thủ tướng sau khi bế mạc kỳ họp như thường lệ 30 năm qua.
Giải thích cho điều này, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Lou Qinjian nói rằng mọi thông tin mà công chúng quan tâm đều có thể “dễ dàng tiếp cận” trong các báo cáo chính thức được công bố trong suốt 1 tuần diễn ra kỳ họp từ ngày 5-11/3 và thông qua các cuộc phỏng vấn của đại biểu Quốc hội.
LO THỔI BÙNG MỘT BONG BÓNG BẤT ĐỘNG SẢN KHÁC
Theo tờ báo Nikkei Asia, sự thận trọng của Bắc Kinh là dễ hiểu trong bối cảnh tin xấu bủa vây nền kinh tế, bao gồm thị trường bất động sản khủng hoảng, gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương, tình trạng thất nghiệp gia tăng ở người trẻ, áp lực giảm phát…
Thông thường, chủ trương giải quyết các vấn đề này được đưa ra tại Hội nghị trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản. Phiên họp này thường được thế giới bên ngoài quan tâm nhất bởi đây là nơi quyết định các trọng tâm của ban lãnh đạo khóa mới, bao gồm các định hướng chính sách kinh tế. Hội nghị Trung ương 3 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 lẽ ra được tổ chức vào khoảng tháng 10-11 năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố thời điểm tổ chức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra điều này.
Những người kỳ vọng những phản ứng chính sách của Bắc Kinh tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã phải thất vọng bởi không có nhiều thông tin chi tiết về định hướng giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo 12 triệu việc làm trong năm 2024 nhưng lại không đưa ra bất kỳ chính sách cụ thể nào nhằm kích thích mạnh mẽ nền kinh tế.
Các nhà kinh tế cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đang lo rằng việc kích cầu mạnh tay sẽ thổi bùng một bong bóng bất động sản khác. Từ năm 2012 đến 2021, giá nhà tại Trung Quốc đã tăng 34%, nhưng từ năm 2021 đến nay đã giảm 10% khi Bắc Kinh chấp nhận để cho những công ty bất động sản lớn gặp khủng hoảng rơi vào cảnh vỡ nợ, thay vì giải cứu họ.
“Trọng tâm của Chính phủ vẫn là quản lý rủi ro. Họ muốn kiểm soát những rủi ro trên thị trường bất động sản bằng cách giảm nợ của các công ty bất động sản, và chính sách này không tạo ra thay đổi nào cả. Họ không đưa ra chính sách sách nào có thể thổi bùng trở lại bong bóng bất động sản”, ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhận xét.
Theo ông Wang, Bắc Kinh muốn vừa tạo ra đủ việc làm, vừa kiểm soát rủi ro tài chính.
Từ những năm 1990, nền kinh tế Trung Quốc hầu như tăng trưởng ở mức gần 10%/năm. Tuy nhiên, thời kỳ tăng trưởng bùng nổ này dường như đã chấm dứt. Các nhà kinh tế tỏ ra bi quan về mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” được Chính phủ đặt ra trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 5/3. Năm ngoái, nhờ hạ lãi suất và tăng chi tiêu chính phủ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, đạt mục tiêu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, mục tiêu năm nay được nhận định khó đạt do cơ sở so sánh cao hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng năm 2024 của nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ khoảng 4,5%.
Một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể kích thích tăng trưởng bằng một gói chi tiêu lớn, tương tự như chương trình chi tiêu Chính phủ trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tuy nhiên, gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương đang là rào cản.
“Các nhà hoạch định chính sách không muốn lặp lại những sai lầm cũ”, các nhà kinh tế Harry Murphy Cruise và Sarah Tan tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics, nhận định, đề cập tới cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Bất động sản và đầu tư hạ tầng từng là bộ đôi động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang hướng tới tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tập trung vào tiêu dùng, thay vì đầu tư bất động sản, hạ tầng. Năm 2021, tổng đầu tư trên GDP của Trung Quốc ở mức cao nhất thế giới 43,3%, trong khi tiêu dùng chỉ đóng góp 54%, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn.
“Trung Quốc đã phân bổ đầu tư quá lớn vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng trong nhiều năm, và giờ đây họ muốn giảm xuống”, ông Michael Pettis, giáo su tài chính tại Trường Quản lý Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận xét. “Nhưng khi tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ đầu tư và tiêu dùng, mà bạn lại muốn giảm mạnh đầu tư, thì buộc phải tăng tiêu dùng lên đáng kể. Nếu không, tăng trưởng GDP sẽ sụt mạnh”.
ĐẶT CƯỢC VÀO CÔNG NGHỆ CAO
Theo nhận định của các nhà phân tích, từ kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay có thể thấy Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư.
“Tất nhiên, lý tưởng là phải thúc đẩy tiêu dùng. Nhưng cấu trúc hiện tại của nền kinh tế và dòng chảy vốn lại không hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng”, ông Wang của Ngân hàng Hang Seng nhận định.
Một điểm đáng chú ý của kỳ họp năm nay là trọng tâm đầu tư mới của Trung Quốc thời gian tới sẽ là công nghệ cao, thay vì bất động sản và hạ tầng. Đây là xu hướng đã bắt đầu từ đại dịch Covid-19. Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc tăng 6,5% trong năm 2023, còn trong lĩnh vực bất động sản giảm 8,1%.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thảo luận về việc bình ổn thị trường bất động sản, đồng thời xác định hạ tầng không phải là một động lực lớn của nền kinh tế như trước đây”, ông Pettis nói về kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua. “Trong vài năm qua, Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực bất động sản sang sản xuất với hy vọng sản xuất công nghệ cao sẽ giải quyết vấn đề năng suất của nền kinh tế”.
Một số sáng kiến lớn được lên kế hoạch cho năm 2024 bao gồm tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện, năng lượng hydrogen, sản xuất sinh học, máy bay thương mại, máy tính lượng tử… Ngân sách dự toán năm 2024 của Chính phủ dành cho khoa học và công nghệ cao tăng 10%, thậm chí con hơn mức tăng 7,2% cho quân sự.
Tuy nhiên, theo ông Pettis, định hướng mới này của Bắc Kinh đối mặt 2 vấn đề, một là lĩnh vực công nghệ cao có quy mô tương đối nhỏ, hai là nhiều quốc gia khác cũng từng đi theo hướng này nhưng không thành công.
Vị chuyên gia dẫn chứng Liên Xô vào những năm 1960 hay Nhật Bản những năm 1980 từng cố gắng phân bổ lại đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như một động lực tăng trưởng mới nhưng đều bất thành.
“Điều đó chưa bao giờ xảy ra bởi lĩnh vực công nghệ cao quá nhỏ, và phần lớn nền kinh tế không thực sự được hưởng lợi từ việc đầu tư vào công nghệ cao”, ông phân tích.
Do đó, các nhà kinh tế cho rằng một trọng tâm chính sách lớn của Bắc Kinh vẫn là giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Chính phủ muốn giải quyết vấn đề một cách từ từ mà không gây hoảng loạn trên thị trường. Bởi vậy, dù để cho một số công ty bất động sản lón vỡ nợ và phá sản, Bắc Kinh đồng thời cố gắng trợ giá nhà đất và thúc đẩy nhu cầu trên thị trường như giảm lãi suất thế chấp mua nhà, nới lỏng một số điều kiện mua nhà…
Trên thực tế, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn, trong bối dư cung bất động sản quá lớn đang đe dọa đánh sập thị trường và kéo theo nhiều ngân hàng xuống vực. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Phát triển E-House Trung Quốc, vào cuối tháng 2/2023, bình quân thị trường mất khoảng 22,3 tháng để bán tất cả tồn kho nhà ở - con số lớn nhất kể từ tháng 2/2012. Tại các thành phố nhỏ như Shaoguan, tỉnh Quảng Đông, thời gian này lên tới 131 tháng, cho thấy tình trạng dư cung nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chính quyền địa phương phụ thuộc nguồn thu vào bất động sản.
TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có lợi thế trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như xe điện và pin lithium, nhưng việc dịch chuyển sang phụ thuộc vào những lĩnh vực này để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn không dễ.
“Kể cả việc đầu tư vào công nghệ cao mang lại hiệu quả, nhưng tôi cho rằng đa số việc này không đồng nghĩa với năng suất của nền kinh tế sẽ đi lên”, ông Arthur Kroeber, giám đốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận xét.
Trên thực tế, các công ty công nghệ cao chỉ tuyển dụng một phần nhỏ lực lượng lao động cả nước. Trong khi đó, hầu hết co hội việc làm trong thập kỷ qua tại Trung Quốc đến từ lĩnh vực dịch vụ - một xu hướng có thể sẽ không thay đổi trong tương lai.
Theo vị chuyên gia, dịch chuyển thành hay bại phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể tăng cường xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ cao hay không, trong bối cảnh nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng có kế hoạch tương tự, và xu hướng bảo hộ tăng lên tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành điều tra việc trợ cấp xe điện của Trung Quốc có đang gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh hay không.
“Đó là công thức chung bảo hộ chung của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và có thể cả một số nước châu Á nữa”, ông Kroeber chỉ ra.
Theo ông Ma Guonan, quản lý cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ), điều này khiến Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng tới đa dạng hóa xuất khẩu hơn nữa sang các thị trường mới nổi.
"Chính phủ sẽ phải giải quyết vấn đề về vai trò của khu vực tư nhân trước khi quá muộn và trước khi cả khu vực này mất đi niềm tin”, ông Ma nhận định.
Còn theo ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management, trong ngắn hạn, Trung Quốc cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ và tài khóa hơn nữa để vực dậy tâm lý nhà đầu cũng như niềm tin của công chúng.
"Nếu Bắc Kinh có thể duy trì chính sách nới lỏng quyết liệt trong vài tháng tới, nước này hoàn toàn có thể phục hồi tăng trưởng bền vững của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm nay. Còn nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, và điều này càng khiến giá bất động sản tại nước này giảm xuống”, ông Lo phân tích.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất cho vay thế chấp từ 5,2% xuống 4,95% hồi tháng 2, hiệu quả thúc đẩy nhu cầu nhà đất vẫn còn bất định bởi thị trường này về bản chất mang tính đầu cơ. Nhiều người mua nhà đang có tâm lý chờ đợi giá giảm sâu hơn nữa.
“Không việc gì phải vội”, Jiang Weirong, một kỹ sư sống ở Thượng Hải ban đầu có ý định mua nhà vào năm ngoái, nói. “Giá nhà vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy".
Theo ông Trivium, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện vẫn chưa có giải pháp tức thì để giải quyết khủng hoảng bất động sản. Do đó, ông dự báo giá nhà tại nước này sẽ còn giảm nữa.
“Rất khó để tiếp tục hạ lãi suất, bởi điều này sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã thấp kỷ lục giảm hơn nữa. Ngân hàng trung ương không có nhiều dư địa để hạ lãi suất thêm”, ông Joseph Peissel, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Trivium China, nhận định.