Chịu ảnh hưởng từ những “cú đấm” liên hoàn của đại dịch Covid-19, gần 100 hãng hàng không trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản. Tại Việt Nam, ngành hàng không cũng đang gặp muôn vàn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực “bẻ lái”, tìm cách sống sót qua đại dịch. Lộ trình tiêm vaccine đang được gấp rút triển khai, cùng với đó là kế hoạch mở lại các đường bay...
HÀNG KHÔNG "BẺ LÁI" TÌM CÁCH SỐNG SÓT
Báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho thấy, doanh thu các công ty bán lẻ và dịch vụ mặt đất của các hãng hàng không trong quý 1 lần lượt giảm 67,4% và 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhóm cảng hàng không và cảng hàng hóa tích cực hơn, khi cảng hàng hóa doanh thu chỉ giảm nhẹ 1,9%.
Đi ngược lại xu hướng giảm, lợi nhuận ròng các công ty kinh doanh cảng hàng hóa nhích nhẹ 3,4% so với cùng kỳ.
Hiện đường bay quốc tế bị đóng băng, đường bay chở khách nội địa cũng tê liệt khi hàng loạt tỉnh thành tiến hành giãn cách toàn xã hội. Các hãng Bamboo Airways, Vietjet Airs, Pacific Airlines đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ.
Hiện chỉ còn Vietnam Airlines, Vasco khai thác một số đường bay. Trên các chuyến bay này, hãng chở y bác sĩ vào các tỉnh phía Nam chống dịch và hành khách có nhu cầu đi lại, đồng thời kết hợp chở hàng hóa.
Khi hoạt động vận tải hành khách bị đình trệ, các hãng hàng không đã “bẻ lái” mở rộng hoạt động tại các mảng kinh doanh khác như vận tải hàng hóa, thuê chuyến, đầu tư tài chính, nỗ lực tìm kiếm cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Vietnam Airlines là hãng đầu tiên chuyển sang kinh doanh vận chuyển hàng hóa trên cabin bằng cách tháo ghế hành khách. Nhờ đó, doanh thu vận tải hàng hóa đã có đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong giai đoạn này, giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải hàng hóa Vietnam Airlines Group đạt 96.250 tấn, doanh thu vận chuyển hàng hóa đạt 2.595 tỷ đồng, bằng 112% so kế hoạch, vượt 276 tỷ đồng. Nổi bật là vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 1.884 tỷ, vượt 460 tỷ bằng 132% so với kế hoạch.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết hãng đã tháo ghế vận chuyển hàng 5 máy bay A350, tăng công suất cõng hàng lên gấp đôi, 3 máy bay A321 cũng tháo ghế để vận chuyển hàng...
CEO Viejet Air cũng thể hiện quyết tâm kinh doanh có lãi giữa lúc ngành hàng không chật vật tồn tại. Tại phiên họp đại hội cổ đông mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết trong năm 2021, Vietjet Air đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020, trong đó doanh thu vận tải hàng không đạt 15.500 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng doanh thu. Ngoài ra, Vietjet tích cực tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã nhen nhóm dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa riêng biệt từ 4 năm nay, nhưng vẫn chưa đề xuất do yêu cầu đội tàu bay, mạng bay đủ lớn để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng đi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đợt dịch đầy khó khăn đã tạo cơ hội tập dượt tốt về chuyên chở hàng, tạo tiền đề để Vietnam Airlines nghiên cứu lập hãng hàng không hàng hóa trong tương lai.
LIỆU CÓ CUỘC "SOÁN NGÔI" SAU ĐẠI DỊCH?
Trước đó, “ông trùm” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh doanh bán lẻ IPP, cũng đã đề xuất thành lập Hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa IPP Air Cargo, do nhìn thấy tiềm năng vận chuyển hàng hóa, trong khi 80% thị phần thị trường này đang nằm trong tay các công ty nước ngoài. Dù Bộ Giao thông vận tải chưa đồng ý cấp phép cho hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo, nhưng mảng thị trường hàng hóa hiện được các doanh nghiệp, hãng hàng không để tâm hơn trong chiến lược phát triển kinh doanh hậu Covid.
“Những tỉnh thời gian qua ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay có thể nghĩ đến đầu tư các sân bay nhỏ phù hợp với lượng khách ít, cargo nhỏ. Từ đó, sẽ hình thành lên mạng lưới sân bay nhỏ, sân bay vệ tinh. Còn nếu tỉnh nào cũng đòi làm sân bay lớn, thì lãng phí đất đai và tiền bạc, chậm thu hồi vốn”.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy xung quanh vấn đề này, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho biết: hiện nay các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, VieJet Air đang gửi kèm hàng trong phần bụng của máy bay hành khách.
Ông Tống cho rằng Air Cargo sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông, hải sản tươi sống tại một số vùng, như Cần Thơ chẳng hạn. Khu vực miền Tây Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gom hàng hóa đến sân bay Cần Thơ nhanh và rẻ hơn đi bằng đường bộ lên sân bay Tân Sơn Nhất. Tại khu vực Tây Nguyên, Ban Mê Thuột có thể trở thành trạm trung chuyển, các tỉnh gom hàng hóa về Ban Mê Thuột, từ đó đi đến các sân bay nội địa lớn trong nước…
Ở một diễn biến khác, đáng chú ý trong 7 tháng qua, trong khi số lượng chuyến bay Vietnam Airlines giảm 32,1%; VietJet giảm 34,4% so với cùng kỳ, nhưng Bamboo Airways vẫn giữ đà tăng 21,9%. Mặt khác, dù Vietnam Airlines liên tục báo lỗ, gặp khó khăn về tài chính, nhưng các hãng hàng không tư nhân vẫn báo lãi. Vì vậy, các hãng bay tư nhân có khả năng chống chịu tốt hơn, bức tranh tài chính sáng sủa hơn sẽ giành thị phần tốt hơn, thay đổi “thế cờ” hậu Covid.
HẠ TẦNG TẠO ĐÀ BẬT SAU ĐẠI DỊCH
Còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi các hãng hàng không ở phía trước. Tuy nhiên, trước mắt các chuyên gia đều cho rằng thị trường hàng không đang đón nhận sự khởi sắc khi Việt Nam đang tăng tốc triển khai tiêm vaccine. Chính phủ cố gắng hoàn thành việc tiêm vaccine cho 70% dân số vào cuối năm 2021.
Đối với các doanh nghiệp, Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways đều đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu vaccine, chìa khóa để khởi động lại các tuyến đường hàng không quốc tế.
Ngoài ra, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.
“Dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách”, Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
Để chuẩn bị tạo đà cho hàng không “cất cánh” sau đại dịch, điều kiên quyết là nâng cấp hạ tầng để giải quyết bài toán thiếu hụt công suất. Sân bay Tân Sơn Nhất được tăng thêm 67% công suất khi nhà ga T3 được hoàn thành vào 2023 với công suất 20 triệu khách/năm, giảm thiểu quá tải ở nhà ga T1.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hàng không của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 28 sân bay bao gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. 4 sân bay quốc tế mới đến năm 2030 bao gồm sân bay Long Thành và 3 sân bay được nâng cấp từ quốc nội, gồm Thọ Xuân, Vinh, Chu Lai.