Nhiều năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Sự thay đổi sâu sắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 năm 2020 đã thúc đẩy các quốc gia nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng.
ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM
Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ngay từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Bộ đã có báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021.
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được giao chủ trì xây dựng cơ chế thử nghiệm cho biết, mục tiêu xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.
“Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Nghị định sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đề xuất 4 lĩnh vực thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm: nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng – những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
4 LĨNH VỰC VÀ 6 NHÓM CHÍNH SÁCH THỬ NGHIỆM
Theo Ban soạn thảo Nghị định, việc không quy định quá cụ thể mà để 4 lĩnh vực này nhằm mục đích tạo không gian đủ rộng cho doanh nghiệp đề xuất, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phù hợp, từ đó thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Nguyên nhân là do các mô hình kinh tế tuần hoàn mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản…, tức là gắn với công nghiệp, dịch vụ. Nếu vẫn theo tư duy truyền thống sẽ khó tạo không gian cho sự phát triển”, Ban soạn thảo cho biết.
Để thực hiện cơ chế thử nghiệm, Ban soạn thảo đề xuất 6 nhóm chính sách được phép thử nghiệm gồm: chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai...
“Ngoài các nội dung chính sách được phép thử nghiệm, các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm còn được hưởng các ưu đãi phù hợp khác theo quy định của pháp luật”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Cụ thể, về chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp - năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam