Theo Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng có hiệu quả, giúp các đối tượng chính sách, người dân, gia đình khó khăn và học sinh sinh viên trên địa bàn được vay vốn. Qua đó đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2022 đã giúp cho trên 800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 99.000 lao động.
Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giảm từ 25-30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn được chuyển tải kịp thời, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến hết năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 12.900 tỷ đồng, 259.000 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đang vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng là 10% và hoàn thành 99,9% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2022.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm...
Thông qua các hình thức này, vốn tín dụng đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội.
Còn theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong số 203.027 lượt người lao động được tạo việc làm của năm 2022 có 62.700 người được xét duyệt vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP. Hà Nội, với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 1/2023, với gần 13.800 người được giải quyết việc làm, trong đó thành phố cũng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 219,7 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho gần 4.200 người.
Ngoài hỗ trợ tạo việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ khó khăn tại khu vực đô thị thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội: Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm tới các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu…
Trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng trưởng dư nợ gắn với quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn; 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy trình quy định.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, tạo tiệc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của thành phố năm 2023.
Theo Quyết định số 337/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo của Hà Nội được xác định là 2.134 hộ (tỷ lệ hộ nghèo 0,095%); tổng số hộ cận nghèo là 22.263 hộ (tỷ lệ hộ cận nghèo 0,990). Năm 2023, thành phố phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chú trọng phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo…