August 01, 2024 | 16:01 GMT+7

Tập đoàn Adani của Ấn Độ lên kế hoạch đầu tư gần 5 tỷ USD tại Việt Nam

Phương Hoa -

Hai dự án lớn sắp được triển khai tại Việt Nam của tập đoàn điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ này bao gồm dự án cảng Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD và dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận) với tổng số vốn dự kiến là 2.8 tỷ USD...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Đại diện Tập đoàn Adihi (Ấn Độ). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Đại diện Tập đoàn Adihi (Ấn Độ). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7 đến 1/8, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc nhanh Tập đoàn Adani (Ấn Độ) vào chiều ngày 31/7/2024. Cuộc làm việc diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tập đoàn Adani cho biết đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD. Cảng biển này được kỳ vọng hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung.Bên cạnh đó, Adani cũng tính rót 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).

Ngoài ra, tập đoàn còn muốn tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai) và sân bay Chu Lai (Quảng Nam). “Với khả năng về tài chính, kỹ thuật, chúng tôi sẽ tham gia sâu thêm vào nhiều dự án tại tại Việt Nam. Cam kết của cá nhân tôi là như vậy”, ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani, chia sẻ và mong Thủ tướng thúc đẩy để tập đoàn thực hiện tốt cam kết này.

Sau khi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Adani, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi trực tiếp với tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp này để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai các thủ tục theo quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani. Cùng dự có đại diện Bộ Giao thông Vận tải, UBND Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã lắng nghe các thắc mắc và vấn đề đặt ra với Adani trong quá trình thúc đẩy các dự án tại Việt Nam. Sau khi lắng nghe, Bộ trưởng đề nghị các bên thực hiện ngay một số nội dung để có thể sớm triển khai đầu tư dự án cảng biển Liên Chiểu tại Việt Nam cũng như các dự án khác, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Với dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam chủ trương chọn một nhà đầu tư hạ tầng tổng thể cho dự án. Về việc triển khai xây dựng dự án, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với đơn vị trong nước theo quy định pháp luật. Do đó, phía Tập đoàn Adani và liên danh Anh Phát cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

“Các bạn có vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì, hãy chia sẻ và trao đổi với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam nghiên cứu, tháo gỡ, hỗ trợ”, Bộ trưởng chia sẻ.  

Kết thúc cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chi Dũng, Đại diện Tập đoàn Adani cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của Việt Nam để sớm triển khai dự án theo quy định trong thời gian sắp tới.

 

Liên Chiểu theo quy hoạch là cảng nước sâu loại I có vị trí quan trọng, điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây quốc tế, cửa ngõ của cả miền Trung. Khi đi vào sử dụng, bến tàu tổng hợp của cảng có quy mô 100.000 tấn, bến cảng container 200.000 tấn. Cảng này có công suất đến năm 2045 đạt khoảng 100 triệu tấn hàng hóa thông qua một năm. Ước tính, Nhà nước sẽ rót khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng dùng chung và kêu gọi đầu tư đồng bộ cảng biển này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate