May 25, 2023 | 12:17 GMT+7

Tập đoàn Ấn Độ mong muốn rót 2 tỷ USD đầu tư cảng biển tại Việt Nam

Anh Tú -

Tập đoàn Adani của Ấn Độ đang xúc tiến dự án đầu tư cảng biển tại Việt Nam với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Trước mắt, tập đoàn này mong muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại cảng Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) và sẽ tìm hiểu triển vọng hợp tác đầu tư tại các cảng biển, cảng thủy nội địa khác của Việt Nam...

Trong giai đoạn đầu, Cảng Liên Chiểu sẽ được xây dựng 2 bến khởi động đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn đầu, Cảng Liên Chiểu sẽ được xây dựng 2 bến khởi động đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Karan Adani, Tổng giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani (Tập đoàn Adani) của Ấn Độ, về triển vọng hợp tác hai bên lĩnh vực giao thông vận tải.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI HỖ TRỢ TỐI ĐA DOANH NGHIỆP ẤN ĐỘ

Ông Karan Adani cho biết Tập đoàn Adani đầu tư nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải và logistics..., mục tiêu là phát triển xanh, bền vững. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải tại Ấn Độ, Adani đang quản lý và phát triển 8 sân bay, phục vụ hơn 80 triệu hành khách mỗi năm. Đồng thời, đầu tư, khai thác 13 cảng liên hợp quốc tế và 5 khu hậu cần, năm 2022 có hơn 360 triệu tấn hàng hóa thông qua bao gồm hàng khô, khí lỏng, dầu thô và container.

“Adani đang xúc tiến dự án đầu tư cảng biển tại Việt Nam với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Adani mong muốn đầu tư tại cảng Liên Chiểu, Anadi dự kiến đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container”, Tổng giám đốc Karan Adani cho biết.

Vì vậy, lãnh đạo Tập đoàn Adani mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải để có thể hiện thực hóa dự án đầu tư tại cảng Liên Chiểu một cách nhanh nhất, đồng thời sẽ tiếp tục tìm hiểu triển vọng hợp tác đầu tư tại các cảng biển khác của Việt Nam và hợp tác về nguồn nhân lực khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu viễn dương...

Đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam - Ấn Độ nhiều năm qua, nhất là từ năm 2016, khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ đạt hơn 15 tỷ USD, Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Riêng lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên có nhiều hợp tác trong việc ký hiệp định vận tải hàng không, nhiều chuyến bay thẳng giữa hai nước; ký hiệp định hàng hải song phương, tổ chức vận tải chuyên tuyến...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Tổng giám đốc Karan Adani mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Tổng giám đốc Karan Adani mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Về kế hoạch đầu tư của Adani trong lĩnh vực cảng biển, trước tiên là dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ Giao thông vận tải luôn chào đón và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Adani. Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.000km, với tiềm năng lớn phát triển hệ thống cảng biển từ Bắc vào Nam.

Với lợi thế này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có hệ thống cảng trung chuyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

XÂY CẢNG BIỂN NƯỚC SÂU ĐỂ ĐÓN 5 TRIỆU TẤN HÀNG/NĂM

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Giao thông vận tải mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia với tư cách là nhà đầu tư cảng. Bộ Giao thông vận tải luôn sẵn sàng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Adani nghiên cứu đầu tư tại cảng Liên Chiểu nói riêng và tại các cảng khác một tổ hợp gồm hai hợp phần: cơ sở hạ tầng khai thác cảng và khu công nghiệp hậu cần sau cảng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để phát huy hiệu quả đồng bộ.

Phần kêu gọi đầu tư các khu bến cảng, bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng… của dự án hiện nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm tới, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho Bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu.

 

Giai đoạn đầu đầu tư 2 bến khởi động đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố và trong khu vực.

Dự án bến Cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố.

Dự án gồm đê và kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000-8.000 TEU.

Trong đó, kè chắn sóng và đê chắn sóng có chiều dài khoảng 1.170m (kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); luồng tàu dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét -14,0m (hệ Hải đồ), bố trí khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải.

Đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm hai đoạn. Trong đó, đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 30m. Đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ, mỗi nhánh gồm 2 làn xe, bề rộng 8m. Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng khởi động.

Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, việc khai thác hàng hóa qua cảng Tiên Sa ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường bộ do hàng hóa phải vận chuyển qua trung tâm thành phố, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn trong những giờ cao điểm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường phát triển du lịch.

Cùng với đó, Cảng Tiên Sa, Sơn Trà không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) vì hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông.

Do đó, phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công cuối năm 2022 là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate