Đầu năm 2023, Tập đoàn H&M báo cáo lợi nhuận quý 4/2022 giảm mạnh hơn dự kiến. Nguyên nhân nằm ở chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu và chi phí tăng cao. Lợi nhuận hoạt động trong quý 4 tài chính của tập đoàn bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới đạt 821 triệu krona (tương đương 79,7 triệu USD), giảm mạnh so với mức 6,26 tỷ krona cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của H&M cũng thua xa mức dự báo 3,67 tỷ krona của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát.
H&M cho biết tính bằng nội tệ, doanh thu trong quý cuối không thay đổi khi tập đoàn này phải vật lộn để theo kịp đối thủ Zara. Tháng 12/2022, H&M đã trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên tại châu Âu sa thải nhân viên để ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí. Giám đốc điều hành H&M Helena Helmersson cho biết chương trình cắt giảm chi phí và cải thiện hiệu suất kinh doanh được tập đoàn khởi xướng bao gồm việc cải tổ trong bối cảnh nhiều công ty trên thế giới đã cắt giảm việc làm và giảm tuyển dụng giữa lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại do lãi suất tăng, lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Mới đây, tập đoàn H&M cho thông báo rằng hai thương hiệu trong danh mục đầu tư của họ, Weekday và Monki, sẽ hợp nhất như một phần trong nỗ lực phục vụ rộng rãi hơn nhu cầu của người tiêu dùng trẻ tuổi. Cùng với động thái này, công ty cũng sẽ hồi sinh nhãn hiệu denim Cheap Monday vốn ngừng sản xuất vào năm 2019 do doanh số bán hàng giảm. Giờ đây, thương hiệu sẽ trở lại như một phần của sự hợp nhất.
Sự hợp nhất này hy vọng sẽ giúp giảm chi phí quản lý và vận hành, cũng như giải phóng các nguồn lực để tập trung hơn nữa vào việc phát triển trải nghiệm thương hiệu, thông cáo báo chí của tập đoàn cho biết. H&M cũng thông tin, họ đang nhắm đến việc củng cố vị thế cạnh tranh của mình bằng cách tận dụng sức mạnh tổng hợp của khách hàng.
Phát biểu về việc sáp nhập, Anna Attemark, người đứng đầu bộ phận các thương hiệu danh mục đầu tư của Tập đoàn H&M, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn với điểm đến mới dành cho giới trẻ này, với các thương hiệu Weekday, Monki và Cheap Monday. Theo thời gian, chúng tôi cũng sẽ khám phá cách phát triển bao gồm nhiều đối tác hơn”. Trong khi đó, những nhân viên cũ của Monki, Weekday đang được hỗ trợ để ứng tuyển vào một số vai trò trong tổ chức mới hoặc những nơi khác trong tập đoàn.
Không phải ngẫu nhiên mà gã khổng lồ thời trang Thụy Điển lại “thống trị” thị trường thời trang nhanh trong rất nhiều năm. H&M là một trong những công ty khởi xướng phong trào fast-fashion (thời trang nhanh), giải mã bài toán để có thể vừa đáp ứng nhu cầu thời trang vừa cân đối khả năng tài chính với giá cả phải chăng. Bí quyết thành công của thương hiệu nằm ở chiến lược kinh doanh và mô hình sản phẩm.
Sau khi được ông Erling Persson thành lập vào năm 1947 tại Thụy Điển, H&M đã liên tục phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh với hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, khái niệm kinh doanh của thương hiệu này rất đơn giản và khá dễ hiểu khi hứa hẹn cung cấp các trang phục thời trang chất lượng ở mức giá tốt nhất. H&M cung cấp các mẫu quần áo cho nữ giới, nam giới, trẻ em, phù hợp với những xu hướng thời trang mới nhất. Nhờ vậy, bất cứ thứ gì người tiêu dùng cần, từ trang phục cơ bản đến trang phục dạ hội, H&M đều có thể cung cấp với giá cả phải chăng.
Một bí quyết hàng đầu khác dẫn đến thành công của H&M là sự phối hợp của hãng. Chiến lược tiếp thị của thương hiệu này là thuyết phục khách hàng tìm đến H&M như một giải pháp thay thế thời trang sang trọng. Theo đó, H&M có bộ sưu tập hàng năm với các hãng thời trang hạng sang như Versace, Karl Lagerfeld và Balmain. Chiến lược tiếp thị này là một trong những đặc điểm hàng đầu giúp phân biệt thương hiệu thời trang nhanh H&M với các hãng đối thủ như Zara.
H&M cũng được biết đến là một thương hiệu có ý thức về môi trường. Karl-Johan Persson, một lãnh đạo cấp cao của H&M cho biết mục tiêu của hãng này là làm cho thời trang trở nên bền vững. H&M là một trong hàng chục hãng thời trang hàng đầu thế giới cam kết giảm khí gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 30% vào năm 2030. Năm 2019, H&M đã thông báo ngừng việc mua da thuộc từ Brazil nhằm phản đối tình trạng cháy rừng lan rộng tại rừng mưa Amazon ở nước này, vốn gây ra sự phản đối rộng rãi trên toàn cầu.
Ngoài ra, một nét đáng chú ý khác là văn hóa làm việc của H&M với mô hình tập trung vào làm việc theo nhóm. Mỗi nhóm tập hợp lại với nhau thường có sự kết hợp của kỹ năng lãnh đạo, hiệu quả và kinh nghiệm. Sự kết hợp này là cách thức giúp nhóm đưa ra các giải pháp và ý tưởng sáng tạo. Môi trường làm việc của H&M liên tục có những cải tiến mới, nhằm tạo ra những điều kiện thoải mái, vui vẻ, được tôn trọng để nhân viên phát triển. Chiến lược này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh đồng thời xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau trong doanh nghiệp.
Về mẫu mã sản phẩm, gần đây, H&M đã bắt đầu các sáng kiến mới, cho thấy một công ty đang trong quá trình đổi mới hình ảnh của mình. Bộ sưu tập Conscious mới nhất của H&M cho mùa Thu - Đông sử dụng polyester tái chế, len và vật liệu gọi là Econyl được làm từ nhựa tái chế. Bên cạnh đó, thương hiệu giới thiệu hai chất liệu mới: cashmere tái chế và nhung tái chế. Thương hiệu cũng sử dụng những người mẫu ngoại cỡ hoặc những nhóm người/cá nhân đặc biệt nhằm thể hiện thông điệp: thời trang đa dạng.
"Sự gián đoạn và trì trệ vẫn tồn tại trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đang dần được xoa dịu trong thời gian gần đây", bà Helena Helmersson, Giám đốc điều hành H&M nhấn mạnh. Bà khẳng định H&M nhận thức được thực tế rằng kế hoạch hợp nhất và cải tổ trên sẽ ảnh hưởng tới nhiều nhân viên, song công ty sẽ triển khai phương án tốt nhất có thể để hỗ trợ người lao động. Bước đi này cũng nằm trong kế hoạch tiết kiệm 2 tỷ crown Thụy Điển/năm mà H&M đã công bố hồi tháng 9 năm ngoái.
Trụ sở chính của thương hiệu mới sẽ được đặt tại cơ sở hiện tại của Weekday ở Stockholm và những thay đổi về tổ chức sẽ có hiệu lực trong những tháng tới. Đây sẽ là thương hiệu thời trang dạo phố và là một phần của "điểm đến dành cho giới trẻ" để tạo ra "trải nghiệm thú vị, mở rộng, phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách hàng trẻ tuổi".