Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một báo cáo mới đây trình Chính phủ về thực trạng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đã nhận định: “Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước đều kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, để đánh giá được chính xác hiệu quả sản xuất - kinh doanh của tập đoàn còn nhiều vấn đề đặt ra”.
Nhiều vấn đề đặt ra đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước thí điểm đợt đầu tiên đã hoạt động từ 4-5 năm nay và sau đó, từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, có thêm 4 tập đoàn kinh tế nhà nước nữa được thành lập và hoạt động hầu hết trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhưng cho đến nay vẫn chưa hình thành được cơ sở thông tin, dữ liệu có tính hệ thống, đầy đủ, cập nhật, sát thực, có thể sử dụng để phân tích, đánh giá về kết quả và hiệu quả của tập đoàn kinh tế nhà nước.
“Thực tế, ngoài hoạt động kinh doanh, các tập đoàn kinh tế nhà nước còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công ích (như điều tiết, bình ổn giá cả, đảm bảo các cân đối lớn...) nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương thức tính toán lượng hoá chi phí để bù đắp hoặc đánh giá kết quả, tác động với tập đoàn kinh tế nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ này. Chính những lý do này đã dẫn đến những cách đánh giá khác nhau về hiệu quả thực của tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc tạo cớ để biện minh cho sự kém hiệu quả của tập đoàn kinh tế nhà nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
“Khôn nhà dại chợ”
Không nói thẳng rằng hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước rất đặc thù bởi phong cách “khôn nhà dại chợ” nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chứng minh rất rõ thực tế này. Đó là sự chèn ép, bành trướng các khu vực kinh tế khác trong nước, nhưng lại rất rụt rè trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Nếu nhìn vào tỷ trọng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn so với vốn chủ sở hữu thì tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lĩnh vực đầu tư và con số tuyệt đối thì giá trị đầu tư rất lớn và bộ này nhấn mạnh “cần phải xem xét lại”. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư.
Như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có tổng đầu tư ngoài ngành là 2.107,254 tỷ đồng, nhưng chỉ có 5 tỷ đồng đầu tư vào các ngành khác, còn lại hơn 2.100 tỷ đồng đầu tư vào bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, quỹ đầu tư (chiếm 99,8%). Việc các tập đoàn dùng uy tín, nguồn lực của nhà nước để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm được làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, do hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành với mong muốn đầu tư, thực hiện tất cả các khâu của quá trình sản xuất - kinh doanh (tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong tập đoàn) nên các doanh nghiệp khác khó lòng mà chen chân vào được, đồng nghĩa với việc hình thành chuỗi giá trị gia tăng và làm đầu tầu hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, là rất hạn chế.
Trong khi đó, đánh giá một cách tổng thể thì thị phần của các tập đoàn kinh tế nhà nước trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới vẫn rất nhỏ bé, không đáng kể.
Muốn vào một mối - Chính phủ
Phản ứng trước những “mũi nhọn”, không ít lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước đã muốn ngã hẳn “vào lòng” Chính phủ, đồng thời đòi tự do hơn nữa cho mình.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Đăng Nam phàn nàn về việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tập đoàn rằng: “Hiện nay Thủ tướng uỷ quyền thực hiện quyền chức năng đại diện chủ sở hữu cho nhiều Bộ, mỗi bộ một lĩnh vực, do vậy, khi tập đoàn trình các vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu phải lấy ý kiến của các bộ, phải giải trình nhiều đầu mối (như việc phê duyệt tăng vốn điều lệ phải lấy ý kiến của 3 bộ để trình chủ sở hữu quyết định, như thực tế của chúng tôi, quy trình này kéo dài hơn 6 tháng), khiến cho tiến độ hoạt động sản xuất kinh doanh bị chậm trễ, lỡ cơ hội, làm mất đi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Ông Nam kiến nghị: “Hướng quản lý tốt nhất để quản lý sâu sát các tập đoàn kinh tế nhà nước là nên thành lập một bộ phận thuộc Văn phòng Chính phủ quản lý các tập đoàn, chịu trách nhiệm thẩm định toàn diện những vấn đề tập đoàn trình Thủ tướng; đồng thời với việc này là uỷ quyền cho Hội đồng thành viên chủ động trong sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn, chịu trách nhiệm hoàn toàn với những quyết định của mình”.
Song, không chỉ tập đoàn kinh tế nhà nước muốn vậy, mà bản thân bộ chủ quản cũng muốn “tháo gông” cho họ. Như tại một bộ quản lý nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước nhất là Bộ Công Thương, cũng kiến nghị Chính phủ: “Sớm ban hành quy định về chủ sở hữu, về đại diện chủ sở hữu, về cơ chế giám sát, kiểm soát, về chức năng quản lý giữa các bộ, ngành để tránh có quá nhiều chủ sở hữu trong một tập đoàn kinh tế nhà nước như hiện nay”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cách tiếp cận căn cứ vào hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu và hiệu quả kinh doanh hiện nay của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì có thể thấy rằng EVN đang có nguy cơ rủi ro ở mức cao. Rủi ro ở mức trung bình là các tập đoàn thuộc khối xây dưng và kinh doanh bất động sản. Mức quy định về sự an toàn của hệ số vốn các tập đoàn kinh tế nhà nước là dưới 3 lần, nhưng EVN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 4,25.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate