December 03, 2024 | 13:52 GMT+7

Tập đoàn Singapore muốn đầu tư thêm khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam

Thanh Thủy -

Lãnh đạo một tập đoàn Singapore thông tin sẽ có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao và trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Tổng giám đốc Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group Lee Ark Boon - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Tổng giám đốc Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group Lee Ark Boon - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Ngày 2/12, nhân chuyến thăm Singapore, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi làm việc với Tổng giám đốc Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VSIP Group Lee Ark Boon.

Ông Lee Ark Boon cho biết Sembcorp tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao, trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đồng thời, Sembcorp mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch này.

Hiện Sembcorp đang nắm 51% vốn công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - nhà đầu tư, phát triển các khu công nghiệp VSIP tại Việt Nam trong 28 năm qua. Đến nay, tập đoàn này đã đầu tư 18 khu công nghiệp VSIP tại 13 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.

Trước ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá VSIP là biểu tượng thành công trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Các khu công nghiệp VSIP cũng là ví dụ điển hình về kết hợp giữa phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Sembcorp, trong đó tập trung vào các dự án phát triển khu công nghiệp thông minh và năng lượng sạch. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn kinh doanh.

Hiện tại, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Việt Nam, với khoảng 3.800 dự án, tổng vốn gần 81 tỷ USD.

Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã có buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn United Overseas Bank (UOB). Theo Chủ tịch Quốc hội, các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư gồm công nghệ cao, tài chính và năng lượng xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây là những lĩnh vực Singapore có thế mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Singapore và sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà đầu tư, trong đó có UOB tham gia vào các lĩnh vực này ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành UOB Wee Ee Cheong cho hay Việt Nam luôn trong top đầu thị trường mà ngân hàng này muốn đầu tư lâu dài. UOB kỳ vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện Việt Nam trong quá trình thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đầu tư.

UOB là ngân hàng duy nhất của Singapore đang hiện diện tại Việt Nam, với tổng vốn cho vay các doanh nghiệp FDI khoảng 8 tỷ USD. Đầu năm ngoái, UOB mua lại mảng ngân hàng bán lẻ của Citibank Việt Nam, góp phần củng cố chiến lược và cam kết dài hạn của UOB tại Việt Nam.

 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đến thăm chính thức Singapore từ ngày 1 - 3/12, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Singapore. Trước đó, chiều 1/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Singapore.

Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong khu vực. 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại đạt 7,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. "Quốc đảo sư tử" đang đứng thứ 2/145 quốc gia và vùng lãnh thổ về đầu tư tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate