September 13, 2011 | 11:05 GMT+7

Tập đoàn, tổng công ty: Chuyện lỗ, nợ xấu và chiếm dụng vốn

Anh Quân

Những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lẽ là đáng giật mình

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, nói tổng công ty này “lỗ cũng được, lãi cũng được” - Ảnh: Reuters.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo, nói tổng công ty này “lỗ cũng được, lãi cũng được” - Ảnh: Reuters.
Những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lẽ là đáng giật mình.

Gần 8.000 tỷ đồng với trường hợp Tập đoàn Điện lực, khoảng 1.500 đồng của Tổng công ty Xăng dầu, hay hơn 600 tỷ đồng với Tổng công ty Hàng hải… xuất hiện trong dự thảo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây, được các doanh nghiệp giải thích có phần do cơ chế giá.

Và đằng sau những con số lỗ lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Lỗ tại… cơ chế giá

Điều trớ trêu là trong khi sản lượng qua cảng của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) tăng trên 16% trong 6 tháng đầu năm, nhưng lỗ lại nằm ở chính các doanh nghiệp trong khối này. Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết, gần như khoản lỗ phát sinh trong năm nay đến từ hai đơn vị liên doanh với nước ngoài, thuộc khối cảng biển.

Hai công ty liên doanh với nước ngoài của Vinalines với Đan Mạch và Singapore đều lỗ lớn. Riêng liên doanh với Singapore giá trị đầu tư 270 triệu USD nhưng 6 tháng đầu năm đã thua lỗ đến 700 tỷ đồng, dẫn đến Vinalines phải chia sẻ 300 tỷ đồng; công ty liên doanh với Đan Mạch thua lỗ gần 200 tỷ đồng, phải chia sẻ 51% là mất 95 tỷ.

“Riêng hai công ty cảng biển này thua lỗ gần 500 tỷ đồng”, ông Việt nói.

Nguyên nhân dẫn tới lỗ của hai doanh nghiệp trên, ông Việt cho rằng do cơ chế quy định giá bốc xếp container tại khu vực sông Thị Vải - Cái Mép “chưa được ổn định”. Ông kiến nghị cần xây dựng cước bốc xếp container tại lên gấp đôi so với hiện nay.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex), lỗ cũng được đổ tại… cơ chế giá. “Nói Petrolimex lỗ cũng được, lãi cũng được”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói.

Theo ông, riêng phần kinh doanh xăng dầu vẫn phải theo chỉ đạo của Nhà nước nên phần lỗ phát sinh sẽ do Nhà nước có cơ chế cấp bù. Nhưng khi doanh nghiệp chưa được bù thì trong hạch toán vẫn phải phản ánh lỗ.

“Những khoản lỗ do làm mục đích chính trị, không điều chỉnh giá thì nhà nước đã có văn bản sẽ xử lý vào cuối kỳ quyết toán. Vì vậy, thực chất khoản lỗ có phát sinh thế nào thì cuối kỳ quyết toán nó sẽ bằng không”, ông Bảo cho hay.

Hiện tại, do kinh doanh đa ngành nên Petrolimex có điều kiện tạm bù tất cả lợi nhuận ở các lĩnh vực kinh doanh khác, khoảng 700-800 tỷ đồng, mới giữ được con số lỗ như công bố. “Thực chất lỗ kinh doanh xăng dầu còn cao hơn nữa”, ông nói.

Cũng là “nạn nhân” của cơ chế giá, ông Dương Khánh Toàn - người sắp giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sông Đà - cho hay, do giá điện của các nhà máy cấp điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN) đã ký hợp đồng cách đây 5-7 năm không điều chỉnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao nên đang lỗ.

“Giá điện thế này thì còn tiếp tục lỗ. Mà còn bao cấp điện thì tiếp tục không có điện mà dùng”, ông Toàn nêu quan điểm.

Chia sẻ góc nhìn này, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) Phùng Đình Thực cho biết thêm, hiện tập đoàn này có 5 nhà máy nhiệt điện than, rất nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác nhưng khi hỏi giá điện thế nào để tính kinh tế, cuối cùng đều đã “đi ra”.

“Cho nên, với giá điện ấy người ta không đầu tư và không đầu tư thì không có nhà máy. Trong khi mình đương nhiên phải có lộ trình, nhưng giá điện càng theo giá thị trường nhanh thì càng nhanh càng tốt”, ông Thực đề xuất.

Lo nợ xấu...

“Nợ của các tập đoàn, tổng công ty ngồi đây chiếm độ khoảng 75-80% tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển… Tình hình như hiện nay, có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ”, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển (VDB) Nguyễn Quang Dũng cho hay.

Theo dữ liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng là 3,04%. Con số này đã tăng khá nhiều so với mức 2,16% vào cuối năm 2010. Nhưng dường như quan ngại xu hướng tăng nợ xấu có thể còn chưa dừng lại.

“Chúng tôi ước tính có khoảng 30% doanh nghiệp ngừng sản xuất, nhưng bản chất của nó là phá sản. Tôi nghĩ rằng, nợ xấu tình hình này của toàn nền kinh tế khoảng 7-8%”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà nói.

Với ngân hàng này, tình hình nợ xấu đang ở dưới mức bình quân toàn ngành. Theo ông Hà là 2,59%, nhưng đã tăng hơn so với đầu năm. “Dự kiến, nợ xấu của chúng tôi sẽ duy trì ở mức khoảng 3-4%”, ông thẳng thắn thừa nhận.

Nhưng với nhiều nhà băng lớn khác, tình hình không được khả quan như BIDV. Theo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, nợ xấu của một số ngân hàng cao hơn mức bình quân toàn ngành, trong đó có Agribank là 6,67%, Vietcombank là 3,47%. Riêng Agribank hệ số an toàn vốn thấp.

Chủ tịch Agribank Nguyễn Ngọc Bảo giải thích, một trong những nguyên nhân nợ xấu gia tăng là do liên quan đến cho vay thị trường bất động sản.

“Các chi nhánh cho vay từ những năm trước, phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và Tp.HCM, cho nên trước thị trường trầm lắng như thế này… hoặc các doanh nghiệp trực tiếp, gián tiếp liên quan đến bất động sản như sắt thép, xi măng hoạt động trả nợ cũng kém làm cho dư nợ xấu tăng lên”, ông Bảo cho biết.

Cho nên, theo quan điểm của Chủ tịch Agribank, có lẽ cần có giải pháp để thị trường bất động sản “không trầm lắng đi xuống thêm nữa”.

Nhưng đáng cảnh báo hơn là tình hình nợ xấu ngân hàng gia tăng trong bối cảnh định mức tín nhiệm của Việt Nam đang ở mức thấp.

“Ở đây, không chỉ phản ánh ở góc độ ngân hàng mà nó là một dấu hiệu đáng lo ngại. Bởi lẽ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, tín nhiệm quốc gia giảm xuống, định hạn của các tổ chức tín dụng Việt Nam hạ xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của chúng ta trên thế giới…”, ông Hà lưu ý.

Theo vị này, giai đoạn các năm 2008-2009, Chính phủ đã đưa ra chính sách cơ cấu tài chính, cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp có gặp khó khăn do tác động trực tiếp của khủng hoảng, của suy giảm kinh tế thì đây cũng là thời điểm cần đề xuất với Chính phủ.

...và chiếm dụng vốn

Chuyện chiếm dụng vốn lẫn nhau là một biểu hiện khác của kinh doanh không hiệu quả, nhưng đồng thời cũng là căn nguyên từ một cơ chế hành xử giữa các doanh nghiệp Nhà nước.

Đại diện Tập đoàn Sông Đà, ông Dương Khánh Toàn cho biết, do các chủ đầu tư rất khó khăn về vốn nên riêng 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này có hơn 5.500 tỷ đồng các chủ đầu tư dở dang công nợ, không thanh toán. Đáng lưu ý là các dự án thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu khất nợ rất lớn.

“Thủy điện Lai Châu nợ hơn một nghìn tỷ, không có vốn mà làm, rất khó khăn trong điều kiện lãi suất vay cao mà dở dang công nợ thế này”, ông Toàn thông tin lại.

Do từ trước đến nay không quy định chủ đầu tư phải thanh toán lãi suất vay nên doanh nghiệp càng thêm khó khăn. “Đó là một trong những nguyên nhân lợi nhuận xuống… kéo theo là công việc chững lại, xe máy, thiết bị, công nhân làm cầm chừng, hết sức khó khăn”, ông nói.

Tổng giám đốc Petro Vietnam Phùng Đình Thực cũng thấm thía chuyện “nợ đìa” của ngành điện. “Về điện, chúng tôi hoàn thành vượt mức kế hoạch nhưng nợ hiện không thu được. EVN còn nợ chúng tôi 10 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cũng đã rất thông cảm với EVN, nhưng không thể chịu được nữa”, ông cho hay.

Nợ với EVN không phải là chuyện mới. Theo báo cáo, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này cho đến hết tháng 6/2011 là trên 31,5 nghìn tỷ đồng và các “nạn nhân” buộc phải chia sẻ khó khăn với EVN có nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Nhưng, “cùng là tập đoàn kinh tế nhà nước thì nợ cứ nợ, sản xuất cứ sản xuất”, ông Thực nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate