Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã ký văn bản số 4130/TLĐ-TG về việc tổng hợp kiến nghị của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước tại Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động dự kiến tổ chức nhân dịp Tháng công nhân năm 2022.
Để chuẩn bị nội dung chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, nhất là công nhân lao động khu công nghiệp với Đảng, Nhà nước.
Một số nhóm vấn đề tập trung đề xuất, kiến nghị như: Công tác chăm lo bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động (nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi khám chữa bệnh, tín dụng cho công nhân…); việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp cho công nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để công nhân nỗ lực trong lao động sản xuất…
Thời gian tiến hành lấy ý kiến từ 16 – 21/5/2022. Báo cáo tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của công nhân lao động theo từng nhóm vấn đề đối với từng chủ thể gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước 12h ngày 23/5/2022.
Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhân lao động trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài với công nhân chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cũng cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, công nhân ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ…
Tiền lương thấp cũng ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của người lao động, vì e ngại không đủ tài chính đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này.