July 22, 2025 | 14:53 GMT+7

Tập trung giải phóng mặt bằng, đảm bảo khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đúng tiến độ

Minh Kiệt -

Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến khởi công dự án thành phần 1 vào ngày 19/12/2025, hiện các địa phương đang tập trung sớm giải quyết mặt bằng để án khởi công đúng kế hoạch...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, đã kiểm tra thực địa tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh và Hà Nội. Đợt kiểm tra này tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị khu tái định cư, nhằm phục vụ mục tiêu khởi công vào ngày 19/8 và 19/12

Tại Lào Cai, điểm khởi đầu của dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác đã khảo sát một số vị trí trọng yếu như khu vực dự kiến xây dựng ga Lào Cai mới tại phường Lào Cai, các điểm cần di dời nhà xưởng, trụ sở doanh nghiệp và đất ở của người dân.

Được biết, đoạn tuyến qua Lào Cai có chiều dài 143,2km, cần thu hồi hơn 1.550 ha đất, ảnh hưởng tới 2.581 hộ dân và phải xây dựng 45 khu tái định cư. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính gần 8.200 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trần Huy Tuấn cho biết tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt và cam kết bàn giao 100% mặt bằng sạch trong tháng 8/2025 để đảm bảo đủ điều kiện khởi công cuối năm. Đồng thời, địa phương cũng đề xuất chủ đầu tư sớm chốt hướng tuyến và dự trù phát sinh thêm khoảng 20% số hộ cần tái định cư.

Ghi nhận tinh thần chủ động của địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là trục giao thông chiến lược, kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thị trường quốc tế.

Trong đó, đoạn tuyến qua Lào Cai là mắt xích đầu tiên, giữ vai trò kích hoạt toàn chuỗi logistics. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng cần được triển khai sớm bởi nếu giải phóng mặt bằng chậm, toàn tuyến sẽ chậm theo.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh trực tiếp kiểm tra thực địa dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Báo Xây dựng
Bộ trưởng Trần Hồng Minh trực tiếp kiểm tra thực địa dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Báo Xây dựng

Trên cơ sở đó, tư lệnh ngành xây dựng yêu cầu địa phương tiếp tục tháo gỡ vướng mắc liên quan đất đai, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án để bảo đảm tiến độ. Ban Quản lý dự án cần tổng hợp đầy đủ các khó khăn, báo cáo Chính phủ tại các cuộc họp giao ban toàn tuyến.

Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng cùng đoàn công tác tiếp tục làm việc tại tỉnh Phú Thọ. Báo cáo với Bộ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, phân công 2 Ban Quản lý dự án phụ trách từng khu vực. Đến nay, đã xác định vị trí các khu tái định cư, khu nghĩa trang, thống kê công trình hạ tầng bị ảnh hưởng và lập phương án bồi thường tổng thể.

 

Tuyến đường sắt đi qua địa bàn Phú Thọ dài 99,1km, qua 5 phường, 15 xã; cần thu hồi hơn 630ha đất, di dời khoảng 1.813 hộ dân, xây dựng 38 khu tái định cư và 5 khu nghĩa trang, với tổng kinh phí giải phóng mặt khoảng 12.363 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ Xây dựng sớm bàn giao hồ sơ thiết kế và mốc giới thực địa, đặc biệt là đoạn điều chỉnh hướng tuyến dài 48,5km. Đồng thời,  đề xuất Chính phủ bố trí 800 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng trong năm 2025 và nghiên cứu phương án cầu cạn để giảm diện tích giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới quy hoạch đô thị.

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất của tỉnh Phú Thọ về tiến độ dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương hoàn tất mặt bằng, đảm bảo khởi công khu tái định cư Đồi Cây Đen (phường Phú Thọ) vào ngày 19/8, với diện tích 17.422m2.

Song song đó, người đứng đầu ngành xây dựng đề nghị nghiên cứu bố trí tái định cư tại chỗ, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Việc giải phóng mặt bằng phải minh bạch, tránh kê khai sai gây thất thoát ngân sách.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhắc lại lãnh đạo tỉnh Phú Thọ mục tiêu khởi công ga Phú Thọ (ga hỗn hợp chở khách và hàng hóa) tại đồi Cầu Bục vào ngày 19/12, với diện tích khoảng 32ha.

Tại Hà Nội, đoạn tuyến dài khoảng 37,5km, cần thu hồi 245 ha đất, di dời 1.456 hộ dân, xây dựng 4 khu tái định cư với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến là khoảng 2.275 tỷ đồng. Trong khi đó tại Bắc Ninh, đoạn tuyến dài 3,7km, cần thu hồi 40,54 ha đất, ảnh hưởng khoảng 100 hộ dân. 

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, khu vực xã Thuận An (trước thuộc huyện Gia Lâm) sẽ đặt Trạm tác nghiệp kỹ thuật Kim Sơn (Km278+800), giáp ranh Bắc Ninh, có vai trò quan trọng trong vận hành, điều tiết tàu, đồng thời là điểm kết nối với tuyến đường sắt vành đai phía Đông và tuyến khổ 1.000mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (tuyến hiện hữu). Đây có thể được lựa chọn là vị trí khởi công dự án.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác kiểm tra tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác kiểm tra tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.

Phía Hà Nội cũng đề xuất chọn ga Yên Viên là vị trí khởi công. Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực này có điều kiện mặt bằng thuận lợi. Đặc biệt, đoạn tuyến dài 9,5km từ ga Yên Thường đến ga Trung Mầu đi song song tuyến đường bộ nối sân bay Gia Bình. TP Hà Nội đã có nghị quyết phê duyệt tổ chức giải phóng mặt bằng trong phạm vi mặt cắt ngang 120m, trong đó 23ha thuộc tuyến chính đường sắt.

Đánh giá đoạn tuyến qua Hà Nội và Bắc Ninh chỉ dài hơn 40km nhưng đi qua khu vực nội đô, đông dân cư, rất phức tạp trong khâu giải phóng và triển khai sau này, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, khởi công các khu tái định cư vào 19/8 và toàn bộ các ga, đường kết nối vào 19/12.

Song song đó, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn hoàn tất toàn bộ hồ sơ các vị trí ga, tuyến kết nối, phương án di dời công trình điện trong tháng 8 để phục vụ khởi công. Đồng thời nghiên cứu phương án cầu cạn cho đoạn qua Hà Nội - Bắc Ninh nhằm tránh giao cắt với đường bộ và giảm tác động tới khu dân cư.

"Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xây dựng chính sách phù hợp từng đối tượng bị ảnh hưởng. Có thể hỗ trợ tiền mặt, mua nhà ở xã hội hoặc tái định cư tại chỗ. Chính sách cần đa dạng, minh bạch và hiệu quả, để người dân có thể chủ động lựa chọn và yên tâm ổn định cuộc sống", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate