Hỏi chuyện ông Indronil Sengupta, Giám đốc điều hành các dự án tại Đông Nam Á của Tata Steel.
Ông nhận định về sự phát triển của ngành công nghiệp thép ở Việt Nam như thế nào?
Với đà phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay, thị trường thép đang ở giai đoạn bùng nổ, theo chúng tôi, tốc độ tăng khoảng 15%/năm. Thị trường thép đang phát triển mạnh đòi hỏi có nhiều nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải nhập khẩu phôi thép rất nhiều. Đó là thách thức rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì thế, đa số các dự án của Tata Steel nhắm vào sản xuất thép để có thể giúp cho thị trường Việt Nam thay thế phần nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước.
Chúng tôi sẽ sử dụng những nguyên liệu khoáng sản sẵn có của Việt Nam. Cách thức của Tata Steel là đầu tư vào cả 3 khâu của quá trình sản xuất, từ thu gom nguyên liệu khai mỏ cho đến sản xuất và đưa ra sản phẩm cuối cùng là thép thành phẩm.
Mới đây, Tata Steel đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Thép Việt Nam về dự án xây dựng một nhà máy sản xuất thép tổng hợp, có công suất 4,5 triệu tấn/năm, được triển khai thành nhiều giai đoạn trong vòng 10 năm tại Hà Tĩnh. Nhà máy sản xuất thép tổng hợp này sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Vốn đầu tư cho dự án này là bao nhiêu, thưa ông?
Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Với công suất 4,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư ước sẽ khoảng 4,5-5 tỉ USD. Con số thực tế chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ công bố khi hoàn thành.
Dự kiến khi nào Tata Steel sẽ khởi công dự án?
Hiện Công ty tư vấn Corus Consulting đã được chọn làm công ty tư vấn đánh giá tính khả thi và thực hiện các hoạt động của dự án. Chúng tôi cũng đang tiến hành đăng ký địa điểm xây dựng nhà máy và làm việc chặt chẽ với các cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Tỉnh và Khu kinh tế Vũng Áng. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ động thổ của dự án xây dựng nhà máy và bắt đầu công tác chuẩn bị xây dựng ngay sau khi chúng tôi nhận được đất.
Sản phẩm phôi thép của nhà máy khi sản xuất ra sẽ được sử dụng tại thị trường Việt Nam hay xuất khẩu, thưa ông?
Về sản phẩm đầu ra của nhà máy thép đa phần tập trung chủ yếu sử dụng tại thị trường Việt Nam. Phần còn lại chúng tôi sẽ cân bằng giữa nhu cầu của thị trường trong nước và nhu cầu xuất khẩu.
Như tôi nói lúc đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường hiện nay khoảng 15%/năm nên chúng tôi sẽ tính đến sự tăng trưởng này để cân đối sản xuất để phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng tôi cũng tính toán phù hợp để lượng sản xuất ra không vượt quá nhu cầu của thị trường mà phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài lĩnh vực thép, Tập đoàn Tata còn có kế hoạch mở rộng lĩnh vực đầu tư ở Việt Nam?
Tata Steel nhìn thấy ở thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Bản thân Tập đoàn Tata hoạt động trên 7 lĩnh vực. Các nhóm công tác của Tata đã đến nghiên cứu thị trường Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều tiềm năng lớn ở Việt Nam như lĩnh vực khách sạn, điện lực, viễn thông.
Nhưng hiện nay quan tâm chính của Tata là đầu tư vào một lĩnh vực then chốt để có hiệu quả đầu tư cao nhất là lĩnh vực thép. Ưu tiên hiện nay của Tập đoàn Tata tại thị trường Việt Nam hiện nay là ngành thép.
Tata Steel là một bộ phận trong Tập đoàn Tata. Các bộ phận khác cũng sẽ nhìn từ Tata Steel để tìm thấy những bài học thành công ở thị trường Việt Nam để qua đấy họ sẽ có những phương thức đầu tư vào Việt Nam hiệu quả.
Tata Steel đã hoạt động tại Việt Nam một thời gian dài và kết quả của họ rất tốt nên tôi tin những nhóm khác trong tập đoàn Tata sẽ có nghiên cứu đầu tư tăng cường vào thị trường Việt Nam.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate