Dù chưa xác định chính xác thời gian và địa điểm rơi, các trạm theo dõi vệ tinh cho biết Cosmos 482 có thể đã quay trở lại khí quyển Trái đất vào khoảng 2 giờ 30 sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ, với sai số khoảng bốn tiếng. Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và một số đơn vị giám sát khác, khu vực có khả năng tàu rơi trải rộng từ vĩ độ 52 độ Bắc đến 52 độ Nam.
Tháng 3/1972, Liên Xô phóng tàu thăm dò vũ trụ với mục tiêu hạ cánh xuống sao Kim – hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời. Đây là một phần trong chương trình Venera đầy tham vọng của Liên Xô (từ "Venera" trong tiếng Nga có nghĩa là sao Kim).
Trong suốt chương trình, mười tàu thăm dò của Liên Xô đã tiếp cận thành công bề mặt sao Kim. Một số tàu chỉ tồn tại được vài chục phút trong điều kiện nhiệt độ lên đến 900 độ F (khoảng 475°C), trong khi một tàu khác cầm cự được gần hai tiếng. Những bức ảnh gửi về Trái đất cho thấy sao Kim là một thế giới cằn cỗi, đầy đá, với bầu trời vàng đục, có thể là do lớp khí quyển dày đặc chứa nhiều lưu huỳnh.
Tuy nhiên, trong số đó, Cosmos 482, với chiều dài 1m và và nặng hơn 540 kg, chưa bao giờ rời khỏi quỹ đạo Trái đất. Một trục trặc kỹ thuật, được cho là do sự cố ở tầng tên lửa trên, đã khiến con tàu bị kẹt lại trong quỹ đạo Trái đất ngay sau khi phóng. Suốt hơn 50 năm qua, quỹ đạo đó dần suy giảm theo thời gian. Do được thiết kế để chịu được môi trường khắc nghiệt của sao Kim, phần thân tàu cực kỳ bền chắc, làm dấy lên lo ngại rằng khi rơi trở lại Trái đất, nó có thể không cháy rụi hoàn toàn và để lại những mảnh vỡ lớn. Các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng Cosmos 482 đã rơi xuống đại dương.
Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, chia sẻ trong một bài viết trên blog rằng khả năng tàu vũ trụ mất kiểm soát và rơi trúng người là "rất thấp, chỉ khoảng một phần vài ngàn" khi nói về mối nguy từ các mảnh vỡ không gian.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng thông báo nguy cơ con người bị thương do mảnh vỡ không gian như Cosmos 482 là cực kỳ thấp, chưa tới 1/100.000.000.000. Để dễ hình dung, khả năng bị sét đánh thậm chí còn cao hơn khoảng 65.000 lần. ESA cũng cho biết hiện có hơn 1,2 triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh Trái đất, trong đó có khoảng 50.000 mảnh có kích thước lớn hơn 10 cm.
Hiện nay, các nhà thiên văn học đang theo dõi chặt chẽ rác không gian gần Trái đất, nhất là sau mỗi lần phóng vệ tinh và tàu vũ trụ. Theo báo cáo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) năm 2025, hiện có hơn 1,2 triệu mảnh vỡ không gian đang bay quanh Trái đất, trong đó có khoảng 50.000 mảnh có kích thước lớn hơn 10 cm. ESA cũng cảnh báo rằng ngay cả khi không tạo ra thêm mảnh vỡ mới, việc này vẫn không thể ngăn chặn các vụ va chạm và phân mảnh tiếp theo.
Kể từ khi kỷ nguyên không gian bắt đầu vào năm 1957, đã có khoảng 6.910 lần phóng tên lửa, đưa 21.620 vệ tinh vào quỹ đạo, và khoảng hai phần ba trong số đó vẫn đang bay quanh Trái đất. Tổng cộng, có khoảng 14.000 tấn vật thể không gian đang lưu trú trong quỹ đạo của Trái đất. Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho biết hiện có hơn 35.000 vật thể đủ lớn để được các mạng lưới giám sát không gian.