Sáng ngày 24/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán TCB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết, ngân hàng vẫn đang duy trì chiến lược chiến lược phát triển tiền gửi không kỳ hạn (CASA), mặc dù mức chung của thị trường chỉ khoảng 22% nhưng tại Techcombank đã lên tới 46,1%. Trong đó, CASA từ khách hàng cá nhân đã có đóng góp vượt trội với tỷ lệ tăng trưởng 65,3%, chiếm 59,4% tổng số dư CASA của toàn ngân hàng.
“Do đó, biên lãi thuần (NIM) của Techcombank rất cao nhưng không phải do lãi suất cho vay cao mà do chi phí thấp. Điều này cho phép ngân hàng không cần cho vay lĩnh vực rủi ro cao mà vẫn đạt được lợi nhuận tốt”, ông Hùng Anh nói.
Bổ sung thêm, Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết mục tiêu của ngân hàng là đạt tỷ lệ CASA 55% vào năm 2025.
Về việc sẽ bị cạnh tranh trong cuộc đua CASA, vị Tổng giám đốc này nhận định, Techcombank là tiên phong và có những thứ khó bắt chước. Điển hình như Techcombank cũng đã hợp tác với một công ty fintech phát triển công cụ tư vấn, trong 3 tháng đã trang bị cho cán bộ tư vấn, khi họ tư vấn có thể sử dụng công cụ này để đảm bảo khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm chuyên nghiệp hơn.
Đáng chú ý, hiện tại vốn hoá Techcombank đạt khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, ngân hàng này lại đưa ra tham vọng khá lớn khi đặt mục tiêu vốn hoá đạt 20 tỷ USD trong năm 2025.
Trả lời cổ đông về mục tiêu này, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, ngân hàng vẫn đang hướng đến một sự tăng trưởng cân bằng và bền vững.
Ông Jens Lottner nhấn mạnh: “Khi lựa chọn trọng tâm hướng vào lĩnh vực bất động sản, ban lãnh đạo đã tính toán rất kỹ, đặc biệt trong quá trình lựa chọn đối tác. Đồng thời, tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn, nhu cầu mua nhà của khách hàng thu nhập khá và cao đang tiếp tục tăng cao”.
Ngoài ra, Techcombank cũng đang cố gắng đa dạng hóa danh mục sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác như điện lực, viễn thông, năng lượng…
Năm 2021, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên đến 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức dưới 2%.
Với việc duy trì chiến lược như vậy, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 23-25%/năm cũng sẽ được duy trì. “Tăng trưởng bền vững, đa dạng, duy trì liên tục sẽ đưa chúng ta tới mức vốn hoá 20 tỷ USD trong năm 2025”, ông Jens Lottner khẳng định.
Năm 2021, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên đến 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức dưới 2%.
Ngân hàng cũng sẽ tập trung nguồn lực vào các nền tảng ngân hàng giao dịch với khách hàng; nâng cấp các quy trình tín dụng; đưa ra quy trình phù hợp với các khách hàng, giảm tối đa thời gian đạt được “chấp thuận”; phân tích dữ liệu để có những hiểu biết sâu sắc về khách hàng; tạo nền tảng công nghệ cho việc xây dựng và triển khai các sản phẩm và dịch vụ tài chính chuyên biệt...
Techcombank tiếp tục trình cổ đông không chia cổ tức, đồng nghĩa giữ lại hơn 26.700 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Song song, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank cũng trình đại hội đồng cổ đông bầu bổ sung ông Hồ Anh Ngọc vào hội đồng quản trị. Được biết, ông Hồ Anh Ngọc sinh năm 1992, là em trai của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Ông Ngọc hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị của 3 công ty gồm Công ty Cổ phần One Mount Group, Công ty Cổ phần 1MG Housing và Công ty Cổ phần One Distribution.