Chỉ mới ra mắt tại Mỹ chưa đầy 2 năm, Temu - startup thương mại điện tử Trung Quốc - đã thu hút nhiều lượt khách hàng mua sắm lặp lại nhiều hơn cả eBay, nền tảng thương mại điện tử thuộc top đầu thế giới đã hoạt động gần 3 thập kỷ.
Một cuộc khảo sát trên 1.000 khách hàng được thực hiện bởi công ty marketing trực tuyến Omnisend vào tháng 4 năm nay cho thấy: 34% người khảo sát đã mua hàng trên Temu ít nhất 1 lần 1 tháng, hơn hẳn con số 29% của eBay. Amazon vẫn là người đứng đầu, với 3 trên 4 người tham gia khảo sát cho biết họ mua sắm trên đây ít nhất 1 tháng 1 lần.
Temu, trực thuộc Pinduoduo - gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc - đã niêm yết trên Nasdaq, đang tung ra các chiến dịch quảng cáo rầm rộ và giảm giá mạnh mẽ để thu hút khách hàng. Đây là chiến lược khởi nghiệp quen thuộc nhưng cũng đầy rủi ro. Bí quyết để tồn tại lâu dài là biến những khách hàng mới thành người mua trung thành - và Temu, ít nhất là cho đến nay, có vẻ đã giải được bài toán này.
Ông Greg Zakowicz, chuyên gia thương mại điện tử cấp cao tại Omnisend, công ty thực hiện khảo sát nhằm so sánh mức độ hài lòng giữa các tên tuổi lớn như Amazon và Walmart với các "tay chơi" mới nổi từ Trung Quốc như Temu và Shein, cho biết: "Điều này cho thấy các chiến dịch marketing rầm rộ của Temu, chẳng hạn như quảng cáo tại Super Bowl và chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, đang mang lại hiệu quả".
Giá cả và lạm phát tăng vọt sau thời kỳ đại dịch đã gây ra một số thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, và hiện tại chính là thời điểm thích hợp để nắm bắt xu hướng mua sắm mới. Theo khảo sát thường niên của EMarketer, tính đến năm 2022, hơn một nửa hành trình mua sắm của người Mỹ bắt đầu từ các sàn thương mại điện tử như Amazon.
Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 40% vào năm ngoái. Ngược lại, gần 30% người mua bắt đầu hành trình mua sắm của họ trên các công cụ tìm kiếm như Google, tăng so với mức 25% của năm trước. Sự chuyển hướng tìm kiếm sản phẩm trên các công cụ tìm kiếm như Google cho thấy hành vi "săn hàng giảm giá" của người tiêu dùng. Họ muốn kiểm tra nhiều trang web và nền tảng bán lẻ khác nhau để so sánh giá cả, mở ra cơ hội cho các nhà bán lẻ giá rẻ mới nổi.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Temu cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi người tiêu dùng Mỹ tin tưởng vào mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà máy của Temu để tìm kiếm các sản phẩm với giá cả phải chăng." Người phát ngôn này nói thêm rằng Temu cũng thực hiện các kiểm tra ngẫu nhiên và các biện pháp khác để giải quyết các vấn đề về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh việc chuyển sang các công cụ tìm kiếm để bắt đầu hành trình mua sắm, một cuộc khảo sát của Omnisend còn cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lựa chọn nhà bán lẻ của người tiêu dùng. Khảo sát yêu cầu người tham gia xếp hạng mức độ hài lòng với các sàn thương mại điện tử dựa trên các yếu tố như giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.
Kết quả cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa Amazon và các nhà bán lẻ giá rẻ mới nổi như Temu. Trong khi Amazon bị đánh giá thấp về giá cả thì Temu lại bị phàn nàn về chất lượng sản phẩm và tốc độ giao hàng.
Điều đáng chú ý là giá cả trở thành yếu tố gây ra sự bất mãn hàng đầu của người tiêu dùng đối với Amazon. Điều này cho thấy ưu đãi về giá, thay vì tốc độ giao hàng nhanh chóng, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của một lượng lớn người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Đây có thể là tin không vui đối với Amazon, công ty đã chi hàng chục tỷ USD để đảm bảo khách hàng nhận được sản phẩm trong vòng hai ngày hoặc ít hơn.
NHƯNG LIỆU TEMU CÓ THỂ THỰC SỰ ĐE DỌA AMAZON?
Mặc dù Temu sở hữu những “cú hích" marketing và ngày càng trở nên nổi tiếng, thị phần thực sự của nền tảng này tại thị trường bán lẻ Mỹ vẫn rất nhỏ, khoảng 0,2% theo công ty xuất bản và dữ liệu Trung Quốc 36Kr. Tuy nhiên, trong danh mục cửa hàng giảm giá, Temu chiếm tới 17% thị phần vào tháng 11/2023.
Có thể thấy được những tác động cạnh tranh khốc liệt mà Temu gây ra đối với những nền tảng thương mại truyền thống. Tuy nhiên, tham vọng của Temu đối với thị trường Mỹ không chỉ dừng lại ở danh mục hàng giảm giá. Vào tháng 1 năm nay, công ty này đã tổ chức một buổi hội thảo tuyển dụng các nhà cung cấp Trung Quốc đã sở hữu nhà kho ở Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, Amazon đã tự chào hàng các nhà bán hàng Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, công bố kế hoạch mở một “trung tâm đổi mới" ở Thâm Quyến và cam kết sẽ “hỗ trợ và thúc đẩy các nhà bán hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ra mắt sản phẩm, xây dựng thương hiệu, và số hoá.”
Rất nhiều nhà cung cấp Trung Quốc trước đây cho rằng sản phẩm được niêm yết trên Amazon là một cách rất nhanh để bước chân được vào thị trường Mỹ. Anker, một nhà sản xuất các thiết bị điện tử Trung Quốc, đã trở thành thương hiệu quen thuộc đối với người tiêu dùng Mỹ nhờ những thành công đáng kể khi bán hàng trên Amazon.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất Trung Quốc có thêm lựa chọn là các nền tảng nội địa như Temu và Shein, những cái tên đang tích cực xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ tại Mỹ. Điều này đặt ra thách thức cho Amazon, buộc họ phải đảm bảo tính cạnh tranh của mình.
Gần đây, Amazon đã giảm phí cho người bán đối với các mặt hàng quần áo dưới 20 USD. Đây được cho là động thái nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ các nền tảng Trung Quốc đang thống trị phân khúc hàng giá rẻ.
Tháng 6 năm ngoái, Amazon cũng loại Temu khỏi danh sách so sánh giá với các đối thủ cạnh tranh. Tính năng này nhằm đảm bảo các nhà bán hàng trên Amazon không đưa ra mức giá cao hơn đáng kể so với các đối thủ. Lý do Amazon đưa ra là Temu không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
Forbes đánh giá rằng Temu có tiềm năng cạnh tranh với Amazon. Bên cạnh đó, sự tham gia của Shein vào thị trường thương mại điện tử và sự phát triển của TikTok Shop càng khiến Amazon phải có những chiến lược rõ ràng để duy trì mối quan hệ với các nhà bán hàng Trung Quốc và củng cố vị thế thống trị trong phân khúc hàng giá rẻ.
Cuộc chiến thương mại điện tử ngày càng nóng lên với sự tham gia của các "tay chơi" mới. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh khốc liệt này với mức giá ưu đãi hơn.