June 25, 2021 | 12:12 GMT+7

Thách thức của doanh nghiệp khi nông sản lên sàn thương mại điện tử

Tuệ Mỹ -

Cùng với kênh phân phối truyền thống, các sàn thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản...

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất vải, nhãn năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340.000 tấn; sản lượng nhãn phía bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so năm 2020. Cùng với vải, nhãn, thời điểm này nhiều loại nông sản, trái cây như: xoài, thanh long, sầu riêng… bước vào mùa thu hoạch cao điểm.

Đây là những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn tấn mỗi loại. Để hàng hóa nông sản lưu thông thông suốt trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các bộ, ngành đã có sự chủ động ngay từ đầu vụ.

KHI NÔNG SẢN LÊN "SÀN"

Ngoài việc tích cực thực hiện phương án tiêu thụ truyền thống như tiếp xúc các nhà tiêu thụ lớn đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu đặc biệt như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU)…, hiện các địa phương rất chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Lazada, VN Post... để nông sản đi xa và nhanh đến tay người tiêu dùng hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễ́n biến phức tạp trên diện rộng.

Là doanh nghiệp chọn thương mại hóa nông sản thông qua các công cụ trực tuyến, ông Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Firstcom Digital cho rằng, việc sản xuất hay tiêu thụ nông sản hiện nay không chỉ là những công việc thủ công, mà còn là cách tạo nên câu chuyện để thổi hồn vào sản phẩm. Đây cũng là cách giúp gia tăng giá trị của chính sản phẩm đó trên thị trường cạnh tranh.

Cùng với đó, việc áp dụng tối ưu những công nghệ mới và các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp tiếp thị sản phẩm, dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng hơn. “Khách hàng hiện nay sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm hữu cơ và có giá trị nguyên bản, nên các doanh nghiệp phân phối nông sản hoàn toàn có thể tạo nên những câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và đưa ra thị trường thông qua các kênh thông tin và mạng xã hội để kết nối trực tiếp người tiêu dùng, thay vì trông chờ vào các chương trình giải cứu”, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Hiện các địa phương rất chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Hiện các địa phương rất chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Để phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng, các sàn thương mại như Tiki, Shopee đã tạo ra phân khúc thực phẩm tươi, rau củ quả (Tiki Ngon, Shopee Farm…). Ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành Natural House Ltd đã sử dụng các sàn thương mại điện tử này làm kênh bán hàng chủ lực và cho rằng, đây chính là ưu thế cho các nhà phân phối nông sản trong thời điểm hiện tại.

TỪ NÔNG DÂN ĐẾN DOANH NGHIỆP ĐỀU PHẢI HIỂU VỀ KINH TẾ SỐ

Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử không hề đơn giản, bởi theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử.

Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản còn thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing... Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm…

Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình chuyển đổi số mang lại những cơ hội to lớn cho nước ta trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng có chất lượng cao. Song thị trường nước ngoài này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhưng sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ và vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật nên việc xuất khẩu vẫn gặp những trở ngại nhất định về rào cản kỹ thuật.

 
Chúng ta đang gặp khó khăn khi xuất khẩu nông sản vì nhà nông chưa tiếp cận được nhiều những kiến thức công nghệ số. Vì vậy, họ vẫn phụ thuộc vào những chương trình giải cứu nông sản và các thương lái.

Để nâng cao vị thế nông sản Việt không thể thiếu sản xuất hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn. Tuy nhiên, hiện sản xuất hữu cơ ở nước ta còn khá khiêm tốn, cả nước mới có khoảng 60 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch 500 triệu USD/năm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con số khá khiếm tốn với một nước thế mạnh về nông nghiệp như nước ta.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng nông sản tại địa phương, ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk cho rằng, đối với mô hình kinh doanh nhỏ như hộ nông dân, việc quản lý và đồng bộ chất lượng sản phẩm không phải là một khó khăn. Nhưng khi bắt đầu mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp quản lý không hiệu quả chuỗi sản xuất dẫn đến việc chất lượng sản phẩm xuất khẩu không bền vững và đảm bảo.

Ngoài ra, việc quản lý quá trình thu gom từ các hộ nông rời rạc nên dẫn đến chi phí tăng và hư hao lớn. Hơn nữa, khi giá cả biến động cao hơn giá cam kết, các nông dân liên kết thường không giao sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp không có đủ hàng cung ứng như cam kết với người mua. Còn hệ thống logistic hiện nay không đảm bảo cung ứng sản phẩm trái cây tươi sản lượng lớn.

Thách thức của doanh nghiệp khi nông sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1

"Chúng ta đang gặp khó khăn khi xuất khẩu nông sản vì nhà nông chưa tiếp cận được nhiều những kiến thức công nghệ số. Vì vậy, họ vẫn phụ thuộc vào những chương trình giải cứu nông sản và các thương lái”, theo ông Nguyễn Minh Đức - CEO IM GROUP, Phó Trưởng ban Đào tạo và Sự kiện của Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM).

Do đó, ông mong các hiệp hội, các cơ quan ban ngành địa phương hỗ trợ nhà nông kết nối với các doanh nghiệp thương mại điện tử rõ nét hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng nên hỗ trợ đào tạo các hộ nông sử dụng các công cụ số để đưa sản phẩm lên sàn.

Bên cạnh việc kết nối, chính địa phương cũng cần phải chủ động để đưa hình ảnh nông sản của tỉnh ra thị trường. Ông Đức cho rằng chính quyền địa phương cần xây dựng hình ảnh “siêu anh hùng” là những người nông dân, doanh nghiệp đã thành công trong việc ổn định đầu ra nông sản của mình thông qua các công cụ số. Hình ảnh này sẽ truyền cảm hứng, tạo động lực để bà con áp dụng các kiến thức mới nhanh chóng hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate