March 14, 2023 | 11:16 GMT+7

Thách thức mới của Apple: Làn sóng lãnh đạo chủ chốt rời bỏ công ty

Đức Mạnh -

Apple phải đối mặt với làn sóng các lãnh đạo cấp cao ra đi chưa từng có, với 11 người rời đi chỉ sau sáu tháng…

Công ty Apple
Công ty Apple

Các vị trí cấp cao của Apple luôn được biết đến với sự ổn định, nhưng giờ đây hãng này đang phải đối mặt với một thách thức mới, một sự thay đổi chưa từng có trong hàng ngũ điều hành của công ty. 

Trong khoảng thời gian bắt đầu từ nửa cuối năm 2022, Apple đã mất khoảng một chục lãnh đạo cấp cao. Hầu hết những người này đều mang chức danh phó chủ tịch, tức là cấp thấp hơn phó chủ tịch cấp cao - những người trực tiếp báo cáo với Giám đốc điều hành Tim Cook. Họ là một trong số những nhân vật quan trọng nhất tại Apple, chịu trách nhiệm điều hành nhiều chức năng cốt lõi hàng ngày. 

Những người ra đi bao gồm các phó chủ tịch giám sát các lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, điện toán đám mây của Apple, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, các vấn đề về quyền riêng tư, bán hàng tại thị trường mới nổi, dịch vụ đăng ký và mua hàng. Tổng cộng có 11 nhân sự chủ chốt đã rời đi, cao hơn nhiều so với số lần ra đi mà Apple đã thấy trong những năm gần đây.

Trong vài năm qua, Apple có thể đã mất một hoặc hai phó chủ tịch trong vòng 12 tháng, chẳng hạn như khi người đứng đầu chương trình xe tự lái của họ chuyển sang Ford vào năm 2021. Tuy nhiên, việc đột ngột có một nhóm lớn như vậy rời đi ngay lập tức, bất kể họ đã nghỉ hưu, bị sa thải nghỉ việc hay chuyển sang một công ty khác đều là điều đáng chú ý.

Tất nhiên, điều này cũng đi kèm với một loạt các vị trí lãnh đạo mới. Apple đã bổ nhiệm một giám đốc nhân sự mới để thay thế giám đốc bán lẻ Deirdre O'Brien và một giám đốc thông tin để thay thế Mary Demby và David Smoley.

Các lãnh đạo cấp cao tại Apple  
Các lãnh đạo cấp cao tại Apple  

Song, những sự ra đi này dẫn đến việc Apple phân công lại trách nhiệm hoặc thăng chức từ bên trong nội bộ. Ví dụ như, Anna Matthiasson, phó chủ tịch cửa hàng trực tuyến, đã bị thay thế bởi cấp dưới trực tiếp của cô là Karen Rasmussen. Trong khí đó, các trách nhiệm của Tony Blevins – người điều hành mảng mua sắm thiết bị được chuyển cho hai đồng nghiệp của anh là Dan Rosckes và David Tom.

Nhìn vào những ví dụ đó, có thể thấy Apple đã tìm được những người kế nhiệm - hoặc ít nhất là một số lãnh đạo có thể đảm nhận trách nhiệm của nhân viên đã ra đi. Nhưng Apple không tìm được người thay thế phù hợp cho Evans Hankey, Giám đốc thiết kế công nghiệp sắp mãn nhiệm. Thay vào đó, họ để các cá nhân trong nhóm thiết kế báo cáo với COO Jeff Williams. Tương tự như vậy, Apple đã không tìm được người thay thế giám đốc bảo mật của mình.

Hầu hết các sự ra đi gần đây là của các nhân viên kỳ cựu của Apple, những người đã làm việc tại công ty hơn 15 năm. Tuy nhiên, với trường hợp của các phó chủ tịch thiết kế và dịch vụ thì Apple đã mất đi các lãnh đạo đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và có thể sẽ đạt đến vị trí phó chủ tịch cấp cao vào một ngày nào đó.

Hơn nữa, làn sóng rời đi này có thể chỉ là sự khởi đầu. Nhiều phó chủ tịch của Apple đã gắn bó với công ty hàng chục năm và có thể nghỉ hưu trong vài năm tới. Tình trạng tương tự xảy ra với ban lãnh đạo cao nhất của Apple: 10 trong số 12 quản lý cấp cao có cùng độ tuổi. Một nửa trong số họ đã gia nhập Apple trước năm 2000 và khoảng cách tuổi tác giữa Tim Cook và người kế nhiệm ông, Jeff Williams cũng chỉ cách nhau khoảng hai năm.

Trong khi đó, những trụ cột lâu năm của Apple - những người đã giúp tái tạo lại công ty cũng sắp kết thúc sự nghiệp của họ. Cựu giám đốc tiếp thị Phil Schiller đang đảm nhận một vai trò nhỏ hơn là Apple Fellow tập trung vào App Store và các sự kiện truyền thông, còn Dan Riccio sẽ từ chối đảm nhận mọi trách nhiệm kỹ thuật phần cứng ngoại trừ nhóm tai nghe thực tế hỗn hợp.

Thêm vào đó, nhân sự cấp thấp hơn của Apple đã sẵn sàng cho sự thay đổi. Những người trong cuộc của Apple tin rằng một số giám đốc và giám đốc cấp cao (hai cấp quản lý trực tiếp dưới phó chủ tịch) cũng đang cân nhắc từ chức trong thời gian tới.

Tốc độ ra đi nhanh chóng của những người này có thể một phần là do gánh nặng trách nhiệm ngày càng tăng đối với các nhà quản lý, bên cạnh đó là các yếu tố khác. Trong những năm qua, Apple ngày càng trở nên quan liêu, đặc biệt là khi phát triển sản phẩm. Apple là một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ, điều đó có nghĩa là rất khó để tạo ra sự khác biệt cho từng cá nhân. Vấn đề chính trị nội bộ và tranh cãi giữa các phòng ban có thể khiến việc điều hướng trở nên khó khăn hơn.

Các nguồn lực của Apple đã được chuyển sang các kế hoạch dài hạn hơn, một vài trong số đó có thể mất nhiều năm để sẵn sàng (nếu có). Một số nhà quản lý có lẽ đã rất buồn khi người của họ bị thu hút bởi các đội thực tế hỗn hợp và đội xe tự lái.

Trong một số trường hợp, các phó chủ tịch của Apple được coi là ứng cử viên để thay thế các phó chủ tịch cấp cao - một động thái có thể đi kèm với việc tăng lương gấp bốn hoặc năm lần. Tuy nhiên, họ có thể chưa bao giờ được Apple nói rõ liệu điều đó có xảy ra hay không. Ví dụ như trường hợp của Evans Hankey, trưởng bộ phận thiết kế sắp mãn nhiệm, được cho là thiếu thẩm quyền, bao gồm cả khả năng bác bỏ các quyết định kỹ thuật do các bộ phận khác đưa ra.

Bản thân cơ cấu tổ chức của Apple là một nguồn cơn của sự căng thẳng. Công ty được tổ chức theo chức năng, nghĩa là các nhóm đều đóng góp vào tất cả các sản phẩm quan trọng. Chẳng hạn, phó chủ tịch kỹ thuật phần cứng giúp giám sát các bộ phận của iPhone, Apple Watch, iPad, Mac và AirPods. Và một nhà lãnh đạo kỹ thuật phần mềm sẽ điều hành các nhóm đóng góp cho iOS, macOS, watchOS và tvOS, hoạt động trên hàng chục sản phẩm phần cứng. 

Cách tổ chức đó có hiệu quả trong những ngày đầu của Apple, nhưng lại dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình phát triển sản phẩm, nguồn lực bị dàn trải quá mỏng và sự phức tạp thêm về kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này cũng có lợi là thu hút được những “bộ óc” giỏi nhất của Apple tham gia vào việc phát triển từng sản phẩm trong danh mục đầu tư.

Cuối cùng, một trong những lý do lớn nhất khiến mọi người nghỉ việc: đó chính là tiền. Cổ phiếu của Apple đã giảm gần 30% vào năm ngoái sau 3 năm tăng mạnh. Điều này gây áp lực đến lương của nhân viên. Có thể lấy các phó chủ tịch của Apple làm ví dụ khi thu nhập từ cổ phiếu của họ chiếm hơn một nửa tổng số tiền lương.

Ngay cả Tim Cook cũng bị ảnh hưởng về vấn đề này. Mới đây, các cổ đông của Apple đã thông qua một gói thanh toán mới bao gồm việc cắt giảm khoảng 40% lương cho Cook. Vào năm 2023, hơn 80% doanh thu của CEO này sẽ đến từ cổ phiếu, 75% trong số đó gắn liền với hiệu quả hoạt động của công ty.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate