Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%. Hiện nay, tỷ lệ cơ cấu kinh tế số công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trên kinh tế ngành, lĩnh vực đang khoảng 70:30, trong đó 70% cho kinh tế số ICT; nhưng mục tiêu trong thời gian tới con số này sẽ là 30% kinh tế số ICT và 70% kinh tế số ngành và lĩnh vực.
TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC KINH TẾ SỐ
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%.
Thông tin tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số-xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết chiến lược đề ra 17 mục tiêu đến năm 2025. Tính đến tháng 6/2023, đã có 2 mục tiêu đã hoàn thành, đó là tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động và tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, chiếm tỷ lệ 11,8%.
Bên cạnh đó có 15 mục tiêu đang được thực hiện (đạt tỷ lệ 88,2%); 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2024, đạt tỷ lệ 11,76%; 6 mục tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2025 (đạt tỷ lệ 35,29%); 7 mục tiêu còn thách thức (tỷ lệ 41,17%), chủ yếu chưa có số liệu thống kê chính thức, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương kịp thời nghiên cứu phương pháp thống kê, đo lường.
Chiến lược giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng cộng 114 nhiệm vụ đến năm 2025, trong đó 20 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 17,5%; 94 nhiệm vụ đang thực hiện, đạt tỷ lệ 82,5%.
Về từng chỉ tiêu cụ thể của kinh tế số, ông Tuấn cho biết tỷ trọng kinh tế số trên GDP hiện nay đã đạt 14,96%, trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20% nên có khả năng hoàn thành.
Về các mục tiêu xã hội số, có 2 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành trước thời hạn trong năm 2024, đó là tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt gần 77% (mục tiêu 80%) và tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt 74,63% (mục tiêu 80%).
Riêng tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân hiện mới chỉ đạt 3%, còn khá thấp so mục tiêu đặt ra (50%).
KINH TẾ SỐ ICT VẪN LÀ TRỤ CỘT
Kinh tế số gồm hai thành phần chính là công nghiệp ICT và kinh tế số từng ngành, lĩnh vực.
Công nghiệp ICT Việt Nam đã phát triển hàng chục năm qua. Phát triển kinh tế số là phát triển kinh tế của từng ngành, lĩnh vực. Không gian phát triển kinh tế số Việt Nam sẽ nằm ở các ngành, lĩnh vực là chính.
Theo nhóm nghiên cứu, ước tính tỷ trọng kinh tế số trên GDP của cả nước năm 2021 là 11,91% và năm 2022 là 14,26%. Trong đó, kinh tế số ICT vẫn là trụ cột chính với tỷ trọng đóng góp khoảng hơn 9% GDP và tác động lan tỏa của công nghệ số, ICT đóng góp vào các ngành, các lĩnh vực khác là 5%. Như vậy, tỷ lệ cơ cấu kinh tế số ICT trên kinh tế ngành lĩnh vực hiện nay đang khoảng 70:30, trong đó 70% cho kinh tế số ICT.
Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực đạt 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030, nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế số ngành, lĩnh vực phải đạt khoảng 30-40%/năm và cơ cấu tỷ trọng sẽ là 30% kinh tế số ICT và 70% kinh tế số ngành và lĩnh vực.
Ở cấp độ tỉnh, thành phố, tỷ trọng kinh tế số trên tổng sản phẩm trong địa bàn (GRDP) cao nhất hiện nay thuộc về các tỉnh, thành Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc. Tỷ trọng này có sự chênh lệch lớn giữa nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu và nhóm các tỉnh, thành phố ở cuối bảng xếp hạng.
Nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp công nghiệp số trở thành công nghiệp nền tảng lan tỏa thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nêu rõ lần đầu tiên trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và trong chủ trương chung của Việt Nam xác định ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng.
Theo ông Hiển, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cần nhận diện và xác định lại ngành công nghiệp công nghệ số ICT, coi đây là ngành công nghiệp nền tảng, bởi một số lĩnh vực của ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành đầu vào của các ngành công nghiệp khác.
Công nghiệp công nghệ số đã làm thay đổi toàn bộ cách tiếp cận từ cơ chế chính sách cho đến định vị các ngành để xác định định hướng phát triển trong thời gian tới.
Hiện, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2021; tốc độ tăng trưởng doanh thu ICT giai đoạn 2015-2021 đạt bình quân 15,2%, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, nhìn trong tổng thể, khu vực FDI tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng giá trị gia tăng đóng góp cho ngành để tính tỷ trọng kinh tế số không nhiều và vẫn phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về kinh tế số và xã hội số mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần xây dựng thể chế số, hạ tầng số và niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Phát triển kinh tế số Việt Nam phải dựa trên 3 trụ cột, gồm: quản trị số; khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị cho nền kinh tế; phát triển các các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp ICT chiếm 20-30% và còn lại 70-80% là kinh tế số ngành, được sinh ra là do chuyển đổi số các ngành.
THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN
Sau hơn 1 năm triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, qua phản ánh từ các địa phương có thể thấy một số khó khăn vướng mắc. Điển hình là khó khăn trong giám sát, đo lường do lĩnh vực kinh tế số rất mới và có sự giao thoa giữa kinh tế thực và kinh tế số. Nhiều khái niệm, thuật ngữ và xu hướng mới trong kinh tế số. Bên cạnh đó là vấn đề “trăm hoa đua nở” chưa có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng thiếu nguồn lực triển khai, thiếu mô hình thành công…
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển một công cụ hỗ trợ công tác tổng hợp (hệ tri thức), giám sát tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, kết nối tới các tỉnh, thành phố, tới mạng lưới chuyên gia tư vấn kinh tế số. Theo kế hoạch, trong tháng 11/2023 Bộ sẽ cung cấp công cụ này cho các địa phương. Tháng 9/2023, Bộ sẽ phát hành các cẩm nang, chuyên đề về phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trong tháng 10/2023, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Tháng 11/2023 sẽ triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin tổng hợp hỗ trợ giám sát, quản lý thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; và trong tháng 12/2023 sẽ có kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số.
Đến nay, Bộ đã ban hành 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên đầu tư. Bộ xác định 5 lĩnh vực chính cần tập trung thúc đẩy là công nghiệp chế biến, chế tạo; dệt may; logistics, nông nghiệp và du lịch.
Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong tiến trình chuyển đổi số, tác động sâu sắc đến sự phát triển của kinh tế số Việt Nam. Bộ hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đối số, chuyển đổi số từng khâu sản xuất lên online.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất sử dụng 1 bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Bộ cũng tổ chức xét duyệt nền tảng số xuất sắc, an toàn; chuyển từ hỗ trợ các nền tảng số riêng biệt sang hỗ trợ hệ sinh thái nền tảng số trong nhiều lĩnh vực...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam