Hội thảo "Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không" vừa được tổ chức tại TP.HCM nhằm gợi mở chính sách, công nghệ phù hợp để đẩy nhanh tiến trình phát triển hàng không bền vững tại Việt Nam.
KHÔNG CHẬM CHÂN TRONG LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI
Nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel, SAF) được sản xuất từ dầu thải, phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị... có thể giúp cắt giảm 80% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu truyền thống. Tuy nhiên trên thực tế, nhiên liệu hàng không bền vững vẫn còn rất mới tại Việt Nam.
Phác hoạ bức tranh sử dụng SAF tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu rõ chúng ta có thể thấy ngành hàng không thế giới đã, đang chuyển động hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Theo đó, cuối năm ngoái, hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% nhiên liệu bền vững.
“Theo các nghiên cứu, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu và được đánh giá là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải carbon nhất trong hoạt động vận tải. Khó không có nghĩa là chúng ta được phép chậm trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trên toàn cầu”.
Ông Lương Thế Tùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco).
Cũng trong năm 2023, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua sáng kiến ReFuelEU nhằm tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, tiếp nối nỗ lực chung của các nước và khu vực nhằm xanh hóa ngành hàng không thế giới.
Trước đó, Canada thông báo hỗ trợ 265 triệu USD cho ngành hàng không hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon.
“Thế giới đã chuyển động và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó”, ông Thành nhấn mạnh.
Hiện nay tại Việt Nam, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực hàng không được quy định rất cụ thể tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/07/2022. Ông Lương Thế Tùng, Tổng giám đốc Công ty Tapetco cho biết mục tiêu từ năm 2035 sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Giai đoạn từ năm 2050 sẽ sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, theo ông Tùng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư (năm 2018) quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam.
Chuỗi cung ứng đó gồm hệ thống kho nhiên liệu hàng không (kho đầu nguồn, kho trung chuyển, kho sân bay), phương tiện vận chuyển, phương tiện tra nạp và yêu cầu kỹ thuật đối với nhiên liệu hàng không…
Theo đó, các doanh nghiệp cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam phải tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ kho đầu nguồn cho đến khi tra nạp lên tàu bay.
Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) cũng đánh giá mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vô cùng quan trọng và là mục tiêu lớn mà 320 hãng hàng không thành viên thuộc IATA hướng đến. Số lượng thành viên IATA chiếm 83% lưu lượng vận chuyển hàng không toàn cầu.
Tại Việt Nam, ba hãng hàng không lớn gồm có Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airlines cũng là thành viên IATA và theo đuổi mục tiêu Net Zero.
"Chúng tôi kỳ vọng sản lượng hành khách của ngành hàng không Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi lại bằng giai đoạn trước Covid-19. Dự báo phục hồi ngành hàng không khá tích cực nhưng mục tiêu Net Zero đang có nhiều thách thức", ông Kelvin Lee nhìn nhận.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Neste Asia Pacific, một nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững và diesel tái tạo đưa ra giải pháp để năng lực sản xuất SAF để đáp ứng cho ngành hàng không.
Theo ông Joseph Man, Quản lý cấp cao phụ trách khách hàng tiềm năng của Tập đoàn Neste Asia Pacific, trong năm 2022, khách hàng của tập đoàn giảm được 11,1 triệu tấn khí thải nhà kính nhờ việc sử dụng những sản phẩm nhiên liệu tái tạo do Neste Asia Pacific sản xuất. Giải pháp mà Neste Asia Pacific mang lại cho thị trường là các sản phẩm dầu đốt tái tạo để cắt giảm 25% khí thải nhà kính. SAF của Neste Asia Pacific có thể giảm 85% khí thải carbon so với các loại có gốc nhiên liệu hóa thạch.
“Trong thời gian tới, Neste Asia Pacific sẽ tiếp tục đa dạng hóa các loại nguyên liệu sản xuất SAF, có thể sử dụng các loại dầu từ tảo hoặc chất thải rắn đô thị”, ông Joseph Man thông tin.
CẦN THÊM "ĐÒN BẨY" TỪ CHÍNH SÁCH
Theo lãnh đạo IATA, động lực để thực hiện lộ trình net zero bao gồm ba yếu tố: công nghệ máy bay, năng lượng và hạ tầng, quy trình vận hành. Trong đó, nhân tố then chốt để thực hiện lộ trình này cần nguồn tài chính khổng lồ và chính sách khuyến khích để đầu tư các công nghệ mới, các loại nhiên liệu mới.
Nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng về "0" trước năm 2050, IATA xác định nhiện liệu hàng không bền vững SAF là động lực chính của ngành hàng không, nhân tố đóng góp lớn nhất trong việc giảm phát thải.
“Theo nghiên cứu, ngành hàng không cần có 450 tỷ lít SAF vào năm 2050. Thách thức rất lớn ở chỗ sản lượng SAF trong năm 2023 chỉ đạt 60 triệu lít. Do vậy, sản lượng này cần tăng lên 750 lần trong vòng 27 năm để đạt mục tiêu”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng băn khoăn giá của SAF hiện khá cao nên chắc chắn giá vé máy bay sẽ đắt đỏ hơn.
Theo ước tính, nếu một chuyến bay sử dụng 100% nhiên liệu SAF thì giá vé máy bay tăng gần 50% so với giá vé máy bay sử dụng nhiên liệu truyền thống. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng các hãng hàng không cần tăng dần tỷ lệ chuyển đổi SAF để hành khách có thể chấp nhận.
Về vấn đề này, ông Kevin Lee, Phó giám đốc IATA, cho rằng chính phủ mỗi quốc gia và các hãng hàng không cần nỗ lực nâng cao nhận thức cho hành khách để khách hàng của ngành hàng không có sự thấu hiểu và chia sẻ về ý nghĩa của SAF. Đây là phương pháp mà Singapore đã thực hiện trước khi bắt buộc tỷ lệ nhiên liệu SAF.
Cũng theo ông Kelvin Lee, chính sách về SAF tại các quốc gia trên thế giới có nhiều khác biệt về xu hướng hoạch định chính sách. "Chúng tôi cho rằng cần có sự linh hoạt hơn trong việc đặt ra các mục tiêu SAF quốc gia, tùy thuộc vào năng lực sản xuất SAF của từng nước và khu vực", đại diện IATA gợi mở.
Nỗ lực của khối ASEAN về sử dụng SAF đã được thể hiện tại Hội nghị các Bộ trưởng Giao thông ASEAN lần thứ 29 vào tháng 11/2023. ASEAN sẽ thúc đẩy việc phát triển ngành hàng không trong khu vực theo hướng bền vững, bắt đầu bằng SAF.
Gợi mở các chính sách giúp tăng sản lượng cung cấp SAF và tăng khả năng cạnh tranh giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống, đại diện IATA cho rằng mỗi quốc gia cần hỗ trợ hoạt động của các cơ sở SAF, các hãng cần nhận diện các lợi ích môi trường mà SAF mang lại.
Ngoài ra, cần có một số chính sách cần có để tạo nhu cầu SAF một cách có hệ thống, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất mới và chuỗi cung ứng đi kèm.
Trong đó, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khuyến khích được ưu tiên trước, bao gồm: tạo lập một thị trường hoạt động thông qua các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị mới tham gia và đa dạng hóa hoạt động sản xuất SAF, ủng hộ sáng tạo đổi mới, giảm giá thành, hỗ trợ cơ sở sản xuất dùng công nghệ mới.
"Sau giai đoạn khuyến khích, cần có các chính sách bắt buộc để đạt được tầm nhìn trung và dài hạn nhằm tăng tốc sản xuất SAF", ông Kelvin Lee đề xuất.