Theo dữ liệu được đưa ra tại hội nghị “Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2023”, thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam so với quy mô dân số, quy mô doanh nghiệp và so với các nước ở trong khu vực, chưa nói đến thế giới, đang ở mức rất bé. Nếu xét về số lượng, hiện nay chúng ta có chưa đến 30 trung tâm dữ liệu thương mại, lượng điện tiêu thụ mới có 0,2 % trên tổng tiêu thụ, trong khi với các nước, mức tiêu thụ điện trung bình cho các trung tâm dữ liệu là khoảng 2-3%, cá biệt như Singapore là 7%.
THỜI ĐẠI INTERNET VẠN VẬT ĐANG ĐẶT RA “ÁP LỰC NGUYÊN TỬ" LÊN HẠ TẦNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU
Xét về quy mô, trung tâm dữ liệu ở Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Thái Lan bằng 1/2 của Malaysia, trong khi dân số của mình đứng 13 trên thế giới. Tiềm năng doanh nghiệp và nhu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, dữ liệu số rất nhiều. Tuy nhiên, hạ tầng số vẫn chưa đi theo kịp với nhu cầu và tiềm năng của thị trường trung tâm dữ liệu. Tại Việt Nam, đặc thù của thị trường trung tâm dữ liệu là các trung tâm đang nằm phân tán ở các tổ chức, các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn bắt đầu ý thức được về mô hình trung tâm dữ liệu hiện nay. Bởi vì, khi dữ liệu được lưu phân tán ở các doanh nghiệp và tổ chức, những áp lực rủi ro về an toàn an ninh thông tin, rủi ro về vận hành, và cả tháp rủi ro về việc không theo kịp công nghệ sẽ nảy sinh. Khi thuê trung tâm dữ liệu, những nhà cung cấp chuyên nghiệp sẽ có đội ngũ chuyên tâm, kỹ năng công nghệ được trau dồi và các hệ thống chứng chỉ được nâng cấp liên tục, công nghệ được làm mới 5 năm một lần và được đầu tư các hệ thống an ninh bảo mật và nguồn lực con người.
Trong khi với tình trạng phân tán hiện nay, các doanh nghiệp phải ý thức cao và tự trang bị kiến thức về công nghệ trung tâm dữ liệu, về nguồn lực và thậm chí là đối phó với các cuộc tấn công. Bởi vì có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với dữ liệu và Việt Nam là một trong những nước mà nằm trong nhóm thị trường dễ bị tấn công và dễ bị tổn thương nhất.
Trong thời đại công nghệ và Internet vạn vật hiện nay, khối lượng dữ liệu được tạo ra ngày một nhiều. Để minh họa cho khối lượng dữ liệu khổng lồ, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, đã đưa ra bức tranh về dữ liệu được tạo ra trong vòng một phút của năm tỷ người trên thế giới. Đó là một khối lượng dữ liệu khổng lồ được kết nối, được chia sẻ trên rất nhiều nền tảng với hàng triệu lượt tìm kiếm trên Google, hàng triệu bức hình được tương tác trên các nền tảng như TikTok, Instagram… trong một phút. Dự đoán, đến năm 2025, tại các nước phát triển trên thế giới, cứ 18 giây sẽ có một tương tác có liên quan đến dữ liệu.
“Nếu 1 phút tạo ra hàng terabyte dữ liệu như vậy, thì một ngày với 1440 phút và một năm có hơn nửa triệu phút, sẽ tạo ra hàng tỷ tỷ terabyte dữ liệu, một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này tạo ra "áp lực nguyên tử" lên hạ tầng, trong đó có hạ tầng lưu trữ, hạ tầng kết nối”, ông Ngọc nói.
THÁCH THỨC XÂY DỰNG TRUNG TÂM DỮ LIỆU XANH
Trung tâm dữ liệu hiện nay đang đứng trước áp lực phải giảm lượng khí thải carbon, điều này đang trở thành một tiêu chuẩn. Ông Hoàng Văn Ngọc cho biết một số khách hàng lớn trên thế giới khi đặt vấn đề thuê trung tâm dữ liệu đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn xanh, đó chính là tối ưu năng lượng và giảm khí thải carbon.
Trung tâm dữ liệu xanh có thể hiểu là một kho lưu trữ, quản lý và phổ biến dữ liệu, trong đó các hệ thống cơ khí, ánh sáng, điện và máy tính được thiết kế tối đa hóa hiệu quả năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường. Việc xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu xanh bao gồm các công nghệ và chiến lược tiên tiến.
Việc xây dựng và chứng nhận một trung tâm dữ liệu xanh có thể tốn kém chi phí ban đầu, nhưng có thể tiết kiệm chi phí lâu dài khi vận hành và bảo trì. Một ưu điểm khác là các cơ sở xanh mang đến cho nhân viên một môi trường làm việc lành mạnh, thoải mái. Các cơ sở xanh cũng tăng cường mối quan hệ với cộng đồng địa phương.
Các nhà bảo vệ môi trường và công chúng ngày càng gây nhiều áp lực đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc xây dựng trung tâm dữ liệu xanh. Theo Hiệp hội Công nghiệp Mạng Lưu trữ, tiêu thụ năng lượng là một trong những chi phí cao nhất của một trung tâm dữ liệu. Đây cũng là một trong 10 vấn đề hàng đầu khiến các nhà điều hành trung tâm dữ liệu lo lắng.
NÂNG CẤP TRUNG TÂM DỮ LIỆU CŨ HAY THIẾT KẾ TRUNG TÂM DỮ LIỆU MỚI XANH VÀ BỀN VỮNG?
Ưu điểm của trung tâm dữ liệu xanh là giảm yêu cầu về không gian, giảm lượng khí thải carbon, giảm chi phí vận hành dài hạn và giảm lượng nước sử dụng và khí phát thải. Vì thế, các công ty đang hợp tác với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các khoản đầu tư cũng được thực hiện vào công nghệ để theo dõi lượng khí thải carbon, nâng cao hiệu quả và cải thiện việc sử dụng nước của các trung tâm dữ liệu.
Việc áp dụng cách tiếp cận xanh để quản lý môi trường và năng lượng của trung tâm dữ liệu có thể là một khoản đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, theo thời gian, các trung tâm dữ liệu này mang lại nhiều lợi ích. Theo lý giải của ông Ngọc, trung tâm dữ liệu xanh sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu một số chi phí nhất định. Cụ thể, chi phí đầu tư CAPEX sẽ cao hơn, doanh nghiệp phải đầu tư ban đầu vào công nghệ nhiều hơn, song ngược lại, chi phí hoạt động OPEX sẽ thấp hơn, vì với trung tâm dữ liệu xanh, doanh nghiệp có thể tiết kiệm năng lượng, tiêu hao ít điện hơn, các hoạt động giám sát vận hành được tự động hóa, do đó chi phí nhân lực cũng giảm bớt.
Ngoài ra, còn một vấn đề đáng lưu ý nữa là việc nâng cấp, sửa chữa những trung tâm dữ liệu cũ để trở thành một trung tâm dữ liệu xanh sẽ khá tốn kém, mất thời gian và khó đạt được các tiêu chuẩn xanh. Đó là một thách thức đối với các cái trung tâm dữ liệu cũ. Chi phí đó sẽ còn tốn kém hơn so với việc xây dựng một trung tâm dữ liệu mới và có thiết kế xanh ngay từ đầu.
Tuy vậy, doanh nghiệp không thể dễ dàng từ bỏ trung tâm dữ liệu cũ bởi vì phải tính toán đến tối ưu chi phí, tối ưu dòng tiền và thậm chí là lợi nhuận để nuôi bộ máy. Có những trung tâm dữ liệu đã đến lúc phải bỏ đi nhưng có những trung tâm dữ liệu không thể bỏ được, bởi vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố như hạ tầng, kết nối, dữ liệu của khách hàng …. Vì thế, doanh nghiệp phải cân nhắc đầy đủ các yếu tố trước khi quyết định.