Từ năm 2022, quy mô GRDP Thái Bình liên tục “thăng hạng”, đạt mức tăng trưởng 9,52% so với cùng kỳ, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sang năm 2023, thứ hạng này tăng 2 bậc và đến hết quý 2 2024 đã vươn lên vị trí thứ 16 cả nước về tăng trưởng kinh tế.
BẾN ĐỖ CỦA NHỮNG DÒNG VỐN TỶ ĐÔ
Năm 2023, Thái Bình nổi lên như một hiện tượng khi thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, tự hào đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI cùng với TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, đồng thời vượt qua Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương và Đồng Nai.
Tiếp nối đà phát triển, trong 8 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 21.600 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ, gồm 105 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ.
Trong đó nổi bật là các dự án: Khu công nghiệp Hưng Phú của Geleximco Hưng Phú tại Tiền Hải với tổng mức đầu tư khoảng 1.940 tỷ đồng, khu công nghiệp này đã ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng); khởi công khu công nghiệp VSIP Thái Bình gần 345ha nằm tại huyện Thái Thụy với tổng vốn đầu tư hơn 4,900 tỷ đồng…
Để đạt được thành tựu trên, các chuyên gia cho rằng, Thái Bình là tỉnh phát triển năng động, có nhiều lợi thế cạnh tranh về vị trí, môi trường đầu tư và cả hạ tầng.
Đóng góp quan trọng nhất phải kể đến sự ra đời của Khu Kinh tế Thái Bình năm 2017 với diện tích 30.583 ha, đã tạo ra sự đột phá cho nền công nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2023, thu hút FDI vào Thái Bình đạt 3,74 tỷ USD, gấp 4,4 lần tổng vốn đầu tư FDI của toàn tỉnh từ năm 2020 trở về trước. Đến hết năm 2023, Khu kinh tế Thái Bình đã giải quyết việc làm cho 76.620 lao động, góp phần nâng cao mức sống người dân.
Trong những năm qua, Thái Bình cũng không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm đi trước dọn đường đón dòng vốn lớn. Trong đó trọng điểm là dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đoạn qua Tiền Hải và Thái Thụy, nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc – Nam, đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; đường vành đai thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn với mức đầu tư khoảng 2.220 tỷ đồng; dự án các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình qua 3 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương với tổng vốn đầu tư trên 2.500 tỷ đồng; dự án mở rộng đường dẫn cầu Thái Hà nối Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hà Nam; tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài 101 km, có lộ trình đầu tư sau năm 2030... Tất cả như đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Thái Bình.
DIÊM ĐIỀN - MẢNH ĐẤT MÀU MỠ VỚI DƯ ĐỊA LỚN
Nhìn lại sự lột xác của thủ phủ công nghiệp Bắc Ninh, năm 2015, giá đất trung tâm chỉ từ 30-40 triệu đồng/m2, nhưng tới nay đã chạm ngưỡng 120-240 triệu/m2, tùy vị trí. Hay tại Bắc Giang, năm 2015, giá đất trung tâm chỉ từ 17-30 triệu/m2, nhưng tới nay đã lên tới 100-200 triệu/m2 tùy vị trí.
So với các tỉnh thành thuộc top đầu về thu hút FDI, Thái Bình rõ ràng là mảnh đất đầy tiềm năng khi có nền giá bất động sản vẫn còn thấp, nhiều khu vực tiềm năng nhưng chưa hề trải qua “sốt” đất. Điển hình phải kể tới thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy.
Diêm Điền cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, cách thành phố Thái Bình 31 km, cách thành phố Hải Phòng chỉ 25 km; hạ tầng hiện đại với tuyến đường ven biển và đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đi qua; sở hữu lợi thế phát triển du lịch với bãi những bãi biển “vô cực” tuyệt đẹp, gần các bãi biển nổi tiếng như Cồn Vành, Cồn Đen, Cồn Thủ…
Là một vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, lại có lợi thế giáp biển, Diêm Điền được định hướng phát triển như một cửa ngõ giao thương của cả Thái Thụy với tiềm năng mạnh mẽ về phát triển công nghiệp và thương mại cảng biển.
Về phát triển công nghiệp, Diêm Điền nằm trong khu công nghiệp Liên Hà Thái – điểm đến mới đang thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ trong nước và quốc tế. Về phát triển cảng biển, nơi đây sở hữu cảng Diêm Điền đang được quy hoạch mở rộng với diện tích 221,3 ha. Đây là khu cảng tổng hợp, cảng hàng hóa chuyên dụng có khả năng tiếp nhận tàu tới 50.000 tấn, sẵn sàng mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Khi khu công nghiệp Liên Hà Thái và bến cảng Diêm Điền hoàn thành sẽ tạo ra thời cơ và vận hội mới cho Diêm Điền bứt phá, đưa vùng đất này trở thành điểm kết nối toàn diện và sôi động, thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư quốc tế.
Dù sở hữu nhiều tiềm năng trở thành một điểm đến đầu tư quốc tế, nhưng giá đất tại Diêm Điền vẫn đang ở dưới mức giá trị thực, dao động từ 50 - 90 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ trong tương lai gần, một lượng lớn nhân công và đội ngũ chuyên gia chất lượng cao sẽ đổ về Diêm Điền, mở ra cơ hội cho thị trường nhà ở, lưu trú, đồng thời góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế dịch vụ khu vực phụ cận khu công nghiệp phát triển.
Đứng trước cơ hội lớn, một làn sóng đầu tư ăn theo sự phát triển của khu công nghiệp đã được nhen nhóm. Nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn bắt đầu đổ về Diêm Điền săn đất, chờ một cơn “sóng ngầm” trỗi dậy. Một vùng đất màu mỡ giàu tiềm năng đang sẵn sàng chờ một “cú hích” xứng tầm để cất cánh.